Sáng 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Hai vấn đề nổi lên là tính toán sao với các mất mát vô hình của người bị oan, sai như danh dự, sức khỏe, tinh thần... và việc có nên lập quỹ bồi thường oan, sai hay không.
Đang tính lại mức bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén
Ngay vào đầu phiên thảo luận cho ý kiến về dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã đặt câu hỏi: “Qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn nhất trong giải quyết bồi thường oan, sai là vấn đề gì?”.
Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết khó nhất là định lượng để xác định bồi thường bởi có những khoản vận dụng rất dễ, ví dụ như chi phí tính trên thu nhập tối thiểu của người dân nhân với những ngày bị tù oan. “Tuy nhiên, có những khoản rất lớn lại không thể định lượng được, tạo ra sự tùy nghi, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần...” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, chính điều này đã dẫn đến mức bồi thường trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và vụ ông Huỳnh Văn Nén. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, các cán bộ khi tiến hành kiểm điểm lại việc vận dụng bồi thường đã nhận định việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn khoản bồi thường quá cao (7,2 tỉ đồng), tạo ra tiền lệ về mức bồi thường lớn. “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để tính bồi thường oan, sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén là rất hạn chế và nó chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm” - ông Bình cho hay. Từ đây ông Bình cho rằng nếu không quy định chi tiết trong luật sửa đổi tới đây sẽ rất khó đảm bảo trong việc bồi thường oan, sai.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đang trình bày ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại phiên làm việc của UBTVQH sáng 9-1. Ảnh: QH
Cùng nội dung này, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng khó nhất là căn cứ tính chi phí thiệt hại để áp mức bồi thường khi thương lượng, vì không có barem cụ thể. “Đương sự đòi bồi thường yêu cầu thế này nhưng cán bộ giải quyết thì chối. Chính vì thế cần đưa vào luật cái gì tính “cứng”, cái gì tính ở kiểu linh hoạt. Những người bị oan có những mất mát vô hình như gia đình tan nát, sức khỏe suy sụp, công việc đã mất… làm sao có hóa đơn được” - ông Thể nói thế và cho rằng cần có barem tương đối để cơ quan đi đàm phán dễ thương lượng, thảo luận hơn với người được bồi thường.
Cùng ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu vấn đề các khoản bồi thường đòi hỏi chứng từ, tuy nhiên trong thực tế không phải khoản chi tiêu nào cũng có chứng từ. Vì vậy cần phải quy định cụ thể mức tính từng lĩnh vực, có khung chung để căn cứ vào đó các khoản không có chứng từ vẫn có thể tính toán được.
Có nên thành lập quỹ bồi thường oan, sai?
Thông tin thêm một số khó khăn của công tác bồi thường oan, sai, theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình mặc dù về nguồn tiền để bồi thường oan, sai luôn được cơ quan tài chính đáp ứng nhưng lại có áp lực vì bị mang tiếng “lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan, sai”. Theo ông Bình, nhìn ra nước ngoài, ở Úc có hình thành quỹ để bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề lập quỹ ở nước ta không được các cơ quan chức năng ủng hộ.
Ông Bình cho rằng: “Nếu như không giải quyết được việc này thì từ nay về sau vẫn phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường”.
Ủng hộ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay có thể lập một quỹ bồi thường độc lập bằng cách trích một phần tiền ngân sách từ các nguồn thu từ vụ án, nộp phạt hành chính... “Một năm ngân sách nhà nước thu phạt hành chính 6.000 tỉ đồng, ban hành tịch thu từ các vụ án khoảng 500 tỉ đồng, thu từ tòa 600 tỉ đồng... là có khoảng 7.000 tỉ đồng để bồi thường. Dùng các khoản này bồi thường sẽ giải quyết được áp lực dư luận về việc không lấy tiền thuế của dân cho việc bồi thường” - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, quan điểm lập quỹ bồi thường oan, sai đã không được nhiều ý kiến tán thành. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên lập quỹ riêng, không nên phân chia rạch ròi tiền thu phạt thì dùng để bồi thường.
“Hoạt động của Nhà nước là phải do ngân sách đảm bảo. Cái này phải giải thích cho người dân... Vì nhân danh Nhà nước tuyên án sai thì phải lấy ngân sách nhà nước bồi thường” - ông Hiển lập luận. Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng việc thành lập quỹ cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác như vấn đề nhân sự. “Cả nước đã có khoảng 80 quỹ, trong đó có 50 quỹ đang hoạt động, mà quỹ thì cũng từ ngân sách thôi. Giờ nếu lập quỹ sẽ phát sinh nhiều vấn đề” - ông Hiển nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh quan điểm cơ quan nhà nước đã làm sai thì phải có trách nhiệm bồi thường và tiền bồi thường cũng phải lấy từ ngân sách nhà nước. Ông Lưu cho rằng mọi nguồn thu cũng đều phải đưa về ngân sách nên không cần thành lập thêm quỹ.