Nhiều người ví von rằng đây là “cái phao” mà các cơ quan tố tụng bám vào khi sắp chết đuối.
Đã có quá nhiều bài viết, ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này nhưng xem ra các cơ quan tố tụng ở nhiều nơi vẫn không lay chuyển. Vì vậy, mỗi khi có bị can, bị cáo nào bị oan thì cơ quan tố tụng đều “cho” miễn TNHS với căn cứ do chuyển biến của tình hình. Cũng phải thừa nhận có một vài vụ sau khi báo chí nêu, cơ quan tố tụng đã tự mình sửa sai hoặc sửa theo chỉ đạo của cấp trên, từ miễn TNHS sang đình chỉ với lý do không có tội. Sau đó, họ tiến hành xin lỗi, bồi thường oan cho người được “miễn TNHS” trước đó. Tuy nhiên, việc này không nhiều.
Việc lạm dụng miễn TNHS để né bồi thường oan đã gây ra bức xúc cho người dân và dư luận. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến trong các kỳ họp hay khi tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng này vẫn chưa có tín hiệu thuyên giảm.
Gần đây, ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cơ quan điều tra lại miễn TNHS một người thật sự bị oan trong vụ TNGT vì không chứng minh được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Hay như trường hợp của vợ chồng ông Cao Văn Bạch và bà Tôn Thị Na ở TP Rạch Giá, Kiên Giang. Cả hai được đình chỉ điều tra nhưng vợ chồng ông Bạch không nhận được quyết định đình chỉ. Khi họ làm đơn yêu cầu bồi thường oan thì được TAND tỉnh Kiên Giang trả lời rằng cơ quan CSĐT căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS để đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can nên không thuộc trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết 388. Cả hai vụ này báo Pháp Luật TP.HCMsố ra ngày 6-10 và 8-10 đã phản ánh rất rõ.
Từ hai vụ án này, vấn đề đặt ra là tại sao cho đến bây giờ các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn né bồi thường oan bằng “chiêu” miễn TNHS do chuyển biến của tình hình?
Trong các trường hợp miễn TNHS quy định tại BLHS 2015 tuy có chi tiết hơn BLHS 1999 nhưng vẫn còn kẽ hở, nhất là quy định tại Điều 29 BLHS 2015 còn chung chung như “Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Quy định này không khác gì Điều 25 BLHS 1999. Lẽ ra phải quy định rõ, cụ thể thế nào là chuyển biến của tình hình và thế nào là người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Vì vậy, các cơ quan tố tụng vẫn còn có cái phao cứu sinh để lợi dụng, bám víu vào đó nhằm né trách nhiệm bồi thường oan.
Nhiều chuyên gia cũng đã có nhiều bài viết, bình luận thế nào là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến cá nhân, chỉ để tham khảo chứ chưa phải là quy định bắt buộc các cơ quan tố tụng trên cả nước phải áp dụng thống nhất. Nên mới có chuyện cơ quan nào “thích” thì vận dụng, không thích thì thôi, không có tính bắt buộc.
Thiết nghĩ sắp tới Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung BLHS về trường hợp thế nào là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải thích chính thức về trường hợp này. Hoặc Quốc hội cũng có thể giao cho TAND Tối cao, VKSND Tối cao hướng dẫn cụ thể tình tiết này. Như thế các cơ quan tố tụng mới áp dụng thống nhất, tránh tình trạng lợi dụng miễn TNHS để né bồi thường oan.
Trước mắt, đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần có chương trình giám sát riêng về trường hợp các cơ quan tố tụng miễn TNHS theo quy định tại Điều 25 BLHS 1999. Qua giám sát mà phát hiện có trường hợp miễn TNHS không đúng nhằm né bồi thường oan thì cương quyết yêu cầu cơ quan tố tụng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và phải có hình thức xử lý thích đáng đối với người cố tình “né” bồi thường oan người vô tội.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao