Cố tình hiểu sai, áp dụng sai khoản 1 Điều 25 BLHS là cách phổ biến mà nhiều CQĐT, VKS sử dụng để “giải quyết hậu quả” khi không chứng minh được tội phạm trong những vụ bị tòa trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung. Đã có hàng chục vụ án được Pháp Luật TP.HCM phản ánh, trong đó có vụ cơ quan tố tụng liên quan đã phải “đính chính” lại lý do đình chỉ điều tra dưới sức ép của cấp trên nhưng nhiều vụ khác thì cơ quan tố tụng mặc kệ, phớt lờ.
Lạm dụng “miễn trách nhiệm hình sự”
Gần đây nhất là vụ án oan của anh Trần Hoàng Minh (ngụ ấp Bình Phước, Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM). Tháng 9-2013, một người cùng xã với anh Minh bị mất trộm máy tính xách tay trị giá 6,8 triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Giờ điều tra theo đơn trình báo và nghi vấn anh Minh là thủ phạm.
Sau đó, anh Minh bị khởi tố, bắt tạm giam hơn hai tháng mới được cho tại ngoại. CQĐT không tìm thấy tang vật của vụ án là chiếc laptop. Mặt khác, dù anh Minh kêu oan, đưa ra chứng cứ ngoại phạm là thời điểm xảy ra vụ trộm anh đang sửa xe cho khách, những người khách sửa xe cũng làm chứng cho anh nhưng CQĐT, VKSND huyện Cần Giờ vẫn bỏ qua.
Sau khi VKSND huyện Cần Giờ truy tố anh Minh, đầu năm 2014, TAND huyện mở phiên xử sơ thẩm nhưng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tháng 12-2014, VKSND huyện Cần Giờ đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với anh Minh vì “xét thấy trong quá trình truy tố, hành vi phạm tội của Minh không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (khoản 1 Điều 25 BLHS).
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp miễn trách nhiệm hình sự như trên không phải là oan. Bức xúc, anh Minh khiếu nại thì VKS huyện trả lời là đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại.
Giữa năm 2015, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về vụ án này. Sau đó, VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM chỉ đạo VKSND huyện Cần Giờ xem xét lại. Cuối năm 2015, VKSND huyện Cần Giờ đã phải “đính chính” các quyết định đình chỉ với lý do không chứng minh được anh Minh phạm tội. Anh Minh chính thức được minh oan, còn viện trưởng VKSND huyện Cần Giờ phải thốt lên rằng: “Đây là bài học đau xót cho chúng tôi!”.
Anh Trần Hoàng Minh, người thợ sửa xe bị oan ở Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: T.TÙNG
Trước tình hình nhiều CQĐT, VKS lạm dụng “miễn trách nhiệm hình sự” khi không thể kết tội được nghi can, rất nhiều chuyên gia pháp luật hình sự có tên tuổi như nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long… đã lên tiếng phân tích về pháp lý. Theo các chuyên gia, khái niệm “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” trong khoản 1 Điều 25 BLHS phải được hiểu là do chính sách về pháp luật hình sự đã có sự thay đổi theo hướng không còn quy định hành vi vi phạm đó là tội phạm nữa. Ví dụ trước đây trộm cắp tài sản trị giá 500.000 đồng đã bị xử lý hình sự nhưng hiện nay trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì mới bị tội.
Dùng người bị hại làm “phao”
Thời gian gần đây đã xuất hiện một thủ thuật mới là lấy lý do người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố để đình chỉ điều tra.
Vụ án của anh Huỳnh Văn Sang (ngụ thị xã La Gi, Bình Thuận) mà Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh là một điển hình. Tháng 6-2007, anh Sang (lúc đó mới 17 tuổi) bị cáo buộc dụ dỗ một phụ nữ câm điếc bẩm sinh ra chỗ vắng hiếp dâm. Anh Sang luôn kêu oan. Sau đó, hai lần TAND thị xã La Gi kết án anh 36 tháng tù thì cả hai lần TAND tỉnh Bình Thuận hủy án vì chứng cứ buộc tội yếu ớt, mâu thuẫn.
Tháng 1-2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận nhận xét do vụ án xảy ra quá lâu, quá trình Công an thị xã La Gi thu thập tài liệu, nhân chứng không vững chắc; các nhân chứng đều khai báo mâu thuẫn; người bị hại câm điếc, dù có mời người phiên dịch nhưng vẫn làm cho các cơ quan tố tụng hiểu không chính xác sự việc nên không đảm bảo cho quá trình truy tố, xét xử. Từ đó, cơ quan CSĐT đề nghị VKS tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Sang.
Ngày 28-1-2010, VKSND thị xã La Gi đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự cho anh Sang. Anh Sang yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường oan thì tháng 5-2010, VKSND tỉnh Bình Thuận hủy bỏ các quyết định đình chỉ của VKSND thị xã La Gi, trả hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận điều tra bổ sung. Sau đó, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh Sang với lý do đại diện người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố.
Như vậy, dù liên tục kêu oan, dù các cơ quan tố tụng không thể kết tội được nhưng anh Sang đành ngậm đắng nuốt cay vì vụ án của anh được đình chỉ “đúng quy định” (khoản 2 Điều 105 BLTTHS 2003). Trường hợp này theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì không phải oan.
Theo nhiều chuyên gia, đây là kẽ hở của pháp luật tố tụng hình sự, là sự bất công đối với người bị khởi tố, cần phải sửa đổi theo hướng nếu nghi can không đồng ý với việc rút yêu cầu khởi tố của phía người bị hại thì cơ quan tố tụng phải tiếp tục giải quyết án cho đến khi có kết luận cuối cùng là nghi can có tội hay không.
Đổ lỗi người bị oan
Năm 2005, khi mới 17 tuổi, anh Nguyễn Tấn Đại (ngụ huyện Tân Phú, Đồng Nai) bị khởi tố, bắt giam về tội hiếp dâm trẻ em. Qua bốn phiên tòa, cuối cùng năm 2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, tuyên bố anh Đại không phạm tội.
Ròng rã từ đó, anh Đại liên tục yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường oan. Mãi đến cuối tháng 8-2015, VKS tỉnh mới có quyết định không bồi thường và lập luận: “Từ lời khai nhận tội ban đầu của Đại, công an huyện đã khởi tố bị can. Sau khi vụ án được chuyển lên công an tỉnh thụ lý thì Đại không nhận tội. Như vậy Đại đã có hành vi cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm, gây cản trở hoạt động điều tra chứng minh người phạm tội, dẫn đến vụ án xảy ra nhưng chưa xử lý được người phạm tội. Đại không được bồi thường”. Trong khi đó, theo anh Đại, ban đầu anh phải nhận tội là do bị đánh đập, ép cung (gia đình anh từng có đơn tố cáo rằng anh bị đánh đến ói ra máu).
TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) từng chỉ rõ là VKSND tỉnh Đồng Nai “đánh tráo khái niệm” nhằm né bồi thường oan. Bởi theo khoản 2 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, người bị oan không được bồi thường nếu cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác và cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để che giấu tội phạm. Ở đây, anh Đại không thuộc trường hợp thứ nhất vì không nhận tội thay cho ai, cũng không thuộc trường hợp thứ hai vì không khai báo gian dối để che giấu tội phạm nào đó (thực tế tòa tuyên anh không phạm tội). VKS tỉnh không tìm được thủ phạm lại đổ thừa do anh Đại che giấu tội phạm là vô lý và trái pháp luật vì trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan tố tụng.
Nhà nước bồi thường 111 tỉ, công chức chỉ bồi hoàn 676 triệu đồng Theo thống kê của Bộ Tư pháp, qua sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết xong 204 vụ yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 111 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 22 vụ mà người thi hành công vụ làm sai gây thiệt hại thực hiện trách nhiệm hoàn trả lại cho ngân sách với tổng số tiền hơn 676 triệu đồng. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng quy định của luật về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ làm sai gây thiệt hại chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc xem xét hoàn trả chưa được thực hiện thống nhất và còn tùy tiện. Cạnh đó, quy định mức hoàn trả của công chức có hành vi làm sai gây thiệt hại chưa đảm bảo tính răn đe nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Để khắc phục hạn chế trên, Cục Bồi thường Nhà nước cho biết dự kiến khi sửa luật sẽ bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ. Đáng chú ý, sẽ có quy định xác định mức hoàn trả dựa trên mức độ lỗi, số tiền mà Nhà nước phải bồi thường; trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ về hưu, đã chết hoặc nhiều người thi hành công vụ cùng vi phạm. Ngoài ra, cũng sẽ có quy định về các trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan của thủ trưởng đơn vị quản lý công chức làm sai gây thiệt hại... Cạnh đó, việc xử lý kỷ luật cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn theo nguyên tắc mọi trường hợp công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đều phải chịu trách nhiệm kỷ luật; đồng thời bổ sung các hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm của người thi hành công vụ. ĐỨC MINH |