Khoản 2 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về một trong các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, đó là: “Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm”.
Theo quy định này thì người bị oan sẽ không được bồi thường thiệt hại nếu thuộc một trong hai trường hợp: Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác và cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để che giấu tội phạm.
Ở trường hợp thứ nhất, chắc chắn anh Đại không rơi vào trường hợp này. Bởi lẽ anh Đại không nhận tội thay cho bất cứ ai. Ở trường hợp thứ hai, phải chứng minh anh Đại khai báo gian dối để che giấu tội phạm nào đó. Tuy nhiên, tòa án đã xét xử anh Đại không phạm tội nào, do đó trường hợp của anh Đại cũng không thuộc trường hợp thứ hai.
VKSND tỉnh Đồng Nai lập luận: “Từ lời khai nhận tội ban đầu của Đại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Phú đã tiến hành khởi tố bị can. Sau khi vụ án được chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý theo thẩm quyền thì Đại không thừa nhận thực hiện hành vi hiếp dâm. Như vậy Đại đã có hành vi cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm, gây cản trở hoạt động điều tra chứng minh người phạm tội, dẫn đến vụ án xảy ra nhưng chưa xử lý được người phạm tội. Như vậy Đại không được bồi thường”. Từ đó VKSND tỉnh Đồng Nai từ chối bồi thường oan cho anh Đại.
Anh Nguyễn Tấn Đại đang mong mỏi chờ VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường oan. Ảnh: VŨ HỘI
Như đã nói, anh Đại không có một hành vi che giấu tội phạm nào cả. Anh Đại che giấu ai phạm tội hiếp dâm trẻ em? Che giấu tội phạm nào của chính mình? VKSND tỉnh Đồng Nai không tìm kẻ phạm tội hiếp dâm lại đổ thừa lỗi là do anh Đại che giấu tội phạm. Đây là lập luận hoàn toàn vô lý và trái pháp luật. Bởi lẽ Điều 10 BLTTHS quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng” và anh Đại không có nghĩa vụ chứng minh người khác phạm tội chứ không phải mình.
Nếu VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng anh Đại che giấu tội phạm do người khác thực hiện, vậy người khác đó là ai? Không những thế, việc ra văn bản cho rằng: “Đại đã có hành vi cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm, gây cản trở hoạt động điều tra chứng minh người phạm tội, dẫn đến vụ án xảy ra nhưng chưa xử lý được người phạm tội” coi chừng có dấu hiệu của tội vu khống (anh Đại).
Nói tóm lại, với tư cách là một cơ quan bảo vệ pháp luật cấp tỉnh, lẽ ra VKSND tỉnh Đồng Nai phải hiểu rõ quy định của pháp luật về bồi thường oan sai và nghiêm túc bồi thường oan sai do mình gây ra. Tuy nhiên, cơ quan này lại dựa vào những từ ngữ của pháp luật mà đánh tráo khái niệm để né tránh việc phải bồi thường oan sai. Không biết trước khi trả lời không bồi thường cho anh Đại, VKSND tỉnh Đồng Nai có nghĩ đến cơ quan cấp dưới của họ nghĩ về việc hiểu pháp luật của cấp trên mình như thế nào. Các cơ quan bảo vệ pháp luật khác nghĩ gì về hành vi tìm mọi cách né tránh bồi thường oan sai hay không? Cần lưu ý rằng họ đang trả lời với tư cách VKSND.
VKSND Tối cao sẽ lập đoàn rà soát án oan Liên quan đến việc VKSND tỉnh Đồng Nai từ chối bồi thường cho anh Nguyễn Tấn Đại, người bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em, bị tạm giam gần ba năm trước khi được hai cấp tòa tuyên không phạm tội, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao. Ông Thể cho biết đang đi công tác nên chưa tiếp cận được thông tin báo nêu cũng như hồ sơ vụ việc. “Về nguyên tắc, với những việc có ý kiến khác nhau như thế và báo chí lại có phân tích, phản ánh thì VKSND Tối cao sẽ yêu cầu địa phương báo cáo, thậm chí rút hồ sơ lên xem xét. Vừa qua, Quốc hội đã có nghị quyết giám sát về oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, chúng tôi tới đây sẽ lập đoàn kiểm tra, rà soát các vụ án có nghi ngờ oan, bao gồm cả những việc từ chối xin lỗi, bồi thường. Những việc như báo nêu sẽ được xem xét, giải quyết thấu đáo” - ông Thể nói. Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) - cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, trong đó có bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Một cán bộ có trách nhiệm ở đây cho rằng việc xác định anh Đại có đủ điều kiện để xin lỗi, bồi thường sẽ không đơn giản như cách VKSND tỉnh Đồng Nai trả lời đương sự. “Việc VKSND tỉnh Đồng Nai có ý kiến không bồi thường do Đại cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm thì cần phải làm rõ hành vi cố ý ấy và phải do cơ quan có thẩm quyền xác định. Để làm rõ hơn, đương sự có thể gửi hồ sơ đến trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của Cục thì Cục mới có cơ sở trả lời chính xác hơn” - cán bộ này hướng dẫn. THU NGUYỆT - NGHĨA NHÂN Hiểu sai luật để né bồi thường oan Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, anh Nguyễn Tấn Đại bị khởi tố, bắt giam về tội hiếp dâm trẻ em. Qua bốn phiên tòa, cuối cùng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, tuyên bố anh Đại không phạm tội. Sau đó anh Đại yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường oan cho hơn 1.000 ngày bị giam oan. Tuy nhiên, VKS tỉnh này viện dẫn lý do anh Đại đã khai báo gian dối để che giấu tội phạm nên ra quyết định không bồi thường oan. Giải thích về lý do tại sao ban đầu phải nhận tội, anh Đại cho biết khi đó anh bị đánh đập, bị ép cung nên mới khai như vậy. Ngay sau khi Đại bị bắt giam, gia đình Đại cũng đã có đơn tố cáo anh bị đánh đập đến ói ra máu. |