Bởi nó sẽ bít lối cho những công dân bị oan nếu như trước đó họ, vì áp lực nào đó, đã lỡ nhận tội.
Vì sao lại là tiền lệ nguy hiểm? Là vì nó gián tiếp khuyến khích các cơ quan tố tụng cứ khởi tố, bắt giam, cứ “làm áp lực” buộc nghi can/bị can khai nhận tội, sau đó nếu họ được xác định bị oan thì cứ đổ lỗi do họ khai báo gian dối rồi khỏi bồi thường. Cơ quan tố tụng xem như chẳng chịu trách nhiệm gì. Quả là một vòng tròn khép kín rất đáng sợ!
Ai cũng biết không phải bị cáo nào ra tòa khai bị bức cung, dùng nhục hình cũng đều đúng, bởi đó là một trong những cách chối tội nếu bị cáo có tội. Nhưng chắc chắn một người thật sự bị oan mà lại từng khai nhận tội ở giai đoạn điều tra thì việc nhận tội ấy ắt hẳn có vấn đề. Bởi không ai điên khùng tự khai nhận cái mà mình không làm để phải ở tù oan, thậm chí đến chung thân, tử hình. (Vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng là một ví dụ điển hình về lý do tại sao họ nhận tội trong giai đoạn điều tra). Tuy vậy, không phải vụ dùng nhục hình nào cũng được “bắt tận tay, day tận cánh”, cũng xử lý hình sự cán bộ tố tụng.
Nói chuyện này để thấy không phải tự nhiên mà người bị oan “khai báo gian dối”. Có lẽ vì vậy mà trong BLHS, chủ thể của tội khai báo gian dối không áp dụng cho bị can, bị cáo. Vậy thì tại sao lại đổ lỗi này cho họ để không bồi thường oan?
Hy vọng VKSND tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét lại quyết định của mình, hoặc nếu không VKSND Tối cao phải ra tay can thiệp. Có như thế mới không tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong hoạt động tố tụng hình sự.