Vụ ‘né bồi thường oan án hiếp dâm’: Cần làm rõ sự thật tới cùng

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 6-2007, anh Huỳnh Văn Sang (ngụ thị xã La Gi, Bình Thuận, lúc đó mới 17 tuổi) bị cáo buộc dụ dỗ một phụ nữ câm điếc bẩm sinh ra chỗ vắng hiếp dâm. Anh Sang khẳng định chưa hề quan hệ tình dục lần nào và liên tục kêu oan. Sau đó, hai lần TAND thị xã La Gi kết án anh Sang 36 tháng tù thì cả hai lần TAND tỉnh Bình Thuận hủy án vì chứng cứ buộc tội yếu ớt, mâu thuẫn.

Nước cờ “cao tay ấn”

Tháng 1-2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận nhận xét do vụ án xảy ra quá lâu, quá trình Công an thị xã La Gi thu thập tài liệu, nhân chứng không vững chắc; các nhân chứng đều khai báo mâu thuẫn; người bị hại câm điếc mặc dù có mời người phiên dịch nhưng vẫn làm cho các cơ quan tố tụng hiểu không chính xác sự việc nên không đảm bảo cho quá trình truy tố, xét xử. Từ đó, Cơ quan CSĐT đề nghị VKS tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Sang.

Ngày 28-1-2010, VKS thị xã La Gi đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự cho anh Sang. Anh Sang yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường oan thì tháng 5-2010, VKS tỉnh Bình Thuận hủy bỏ các quyết định đình chỉ của VKS thị xã La Gi, trả hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận điều tra bổ sung. Sau đó, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh Sang với lý do đại diện người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố.

Như vậy, dù liên tục kêu oan nhưng anh Sang đành ngậm đắng nuốt cay vì vụ án của anh được đình chỉ “đúng quy định” (khoản 2 Điều 105 BLTTHS 2003) và trường hợp này theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì không phải oan nên cơ quan tố tụng sẽ không phải bồi thường oan.

Dù “được” đình chỉ nhưng anh Huỳnh Văn Sang vẫn bị mang tiếng là người hiếp dâm. Ảnh: P.NAM

Đó là sự bất công!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia khẳng định pháp luật đã có kẽ hở trong trường hợp này khiến người bị khởi tố như anh Sang không thể được làm rõ trắng đen. Thực tế thì dù không còn bị vướng vào vòng tố tụng nhưng anh vẫn phải mang trên mình “bản án vô hình” là kẻ hiếp dâm người khuyết tật trong mắt người dân địa phương. Hơn hai năm trước, gia đình anh đã phải bán căn nhà ở thị xã La Gi để vào rẫy ở do không chịu nổi sự gièm pha, định kiến, xa lánh. Anh gửi đơn xin việc làm ở đâu cũng bị khước từ. Hằng ngày, đi làm phụ hồ xong anh chỉ biết về nhà, không quen được bạn gái nào...

“Với vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại, khi người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì đương nhiên vụ án phải được đình chỉ vì BLTTHS 2003 không quy định cách giải quyết khác, trừ trường hợp người bị hại rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức” - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng cho biết.

Ông Hùng nhận xét đây là một cách “lách” bồi thường oan khá “thâm thúy” bởi nếu vụ án không xuất hiện yếu tố phía người bị hại rút đơn thì cơ quan tố tụng đã phải ra quyết định rõ ràng, phải minh định là anh Sang có thực hiện hành vi hiếp dâm hay không. Mà diễn tiến vụ án đã cho thấy anh Sang có dấu hiệu bị oan rất rõ và các cơ quan tố tụng không thể kết tội được anh. Còn với trường hợp đình chỉ vì phía người bị hại rút đơn thì trong các quyết định đình chỉ, cơ quan tố tụng có quyền không đề cập tới vấn đề này.

Theo luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia TP.HCM) và luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM), để đảm bảo công bằng với nghi can, với những vụ án như trên, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng nếu nghi can không đồng ý với việc rút yêu cầu khởi tố của phía người bị hại thì cơ quan tố tụng phải tiếp tục giải quyết án cho đến khi có kết luận cuối cùng là nghi can có tội hay không.

Đồng tình, luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cũng cho biết: “Trước đây khi góp ý sửa đổi BLTTHS 2003, tôi đã có ý kiến tương tự nhưng rất đáng tiếc là ý kiến của tôi đã không được các nhà làm luật quan tâm, ghi nhận trong BLTTHS 2015 vừa mới được Quốc hội ban hành”.

Cơ quan tố tụng “chơi không đẹp”

Tôi cho rằng ở vụ án của anh Sang, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận “có lối chơi không đẹp”, “tự giải thoát” cho chính mình mà gây ra hàm oan cho người khác. Theo tôi, cần phải có các quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong trường hợp phía người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố nhưng nghi can kêu oan như thế này. Cơ quan tố tụng cần phải đi đến tận cùng để xác định sự thật bởi rõ ràng trước đó cơ quan tố tụng cho rằng đủ căn cứ thì mới khởi tố, điều tra, truy tố… Nghi can kêu oan thì cơ quan tố tụng phải giải quyết khiếu nại và phải có kết luận rõ ràng oan hay không chứ không thể bỏ lửng như vậy.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Luật chưa dự liệu

Theo Điều 105 BLTTHS 2003, một số tội phạm trong BLHS 1999 (trong đó có tội hiếp dâm thuộc khoản 1 Điều 111) chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, CQĐT, VKS, tòa vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Điều 155 BLTTHS 2015 cũng quy định tương tự với một số tội phạm trong BLHS 2015 (hai bộ luật, luật mới này đều có hiệu lực từ ngày 1-7-2016).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm