VỤ “BỊ BẮT VÌ LÁ ĐƠN TỐ GIÁC NẶC DANH”

Tiền lệ né bồi thường oan nguy hiểm

Vụ án bắt đầu từ cái chết bất thường của ông Đặng Quang Cường ở thôn 6, xã Bằng Cốc (Hàm Yên, Tuyên Quang). Gần một tháng sau, ngày 12-8-2012, Công an huyện Hàm Yên nhận được một đơn nặc danh tố giác năm người nghi vấn có hành vi giết ông Cường là Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên, Đặng Việt Sơn. Sau đó, năm người này lần lượt bị bắt, bị khởi tố, điều tra về tội giết người (lúc này vụ án đã được chuyển lên Công an tỉnh Tuyên Quang).

Chuyển từ giết người sang cố ý gây thương tích rồi đình chỉ

Một loạt chứng cứ được đưa ra để chứng minh là năm người nói trên đã đánh nhầm ông Cường rồi nảy sinh ý định giết người diệt khẩu một cách dã man, độc ác. Cuối cùng là lời nhận tội của năm bị can trong các bản cung. Có sự việc, có nguyên nhân, có kết quả, có cả lời thú tội của các nghi can. Vụ án tưởng chừng đến đó là kết thúc, cơ quan điều tra (CQĐT) đã phá án thành công.

Thế nhưng các nhân chứng, vật chứng mâu thuẫn, phủ nhận lẫn nhau. Thêm vào đó, ra tòa, năm bị cáo đồng loạt kêu oan cùng nhiều bằng chứng chống lại nhận định của “Vụ án giết người” ban đầu. Vậy là qua 14 phiên xử được mở nhưng tòa đã không thể kết tội được năm bị cáo. Lần xử gần nhất (tháng 11-2014), tòa lại phải tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo luật, nếu không chứng minh được tội phạm, CQĐT phải đình chỉ điều tra với lý do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Nhưng rồi vụ án lại rẽ sang hướng khác: Đó là CQĐT thay đổi quyết định khởi tố, chuyển năm bị can này từ tội giết người sang tội cố ý gây thương tích. Rồi sau đó, vin vào lý do đại diện người bị hại rút đơn, CQĐT đã đình chỉ vụ án.

Ông Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên và Đặng Việt Sơn tại buổi làm việc với đoàn giám sát liên ngành ngày 19-7. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nhận định về tỉ lệ thương tật kiểu phỏng đoán

Theo kết luận điều tra mới nhất số 05/KLĐT ngày 11-3-2015, CQĐT đã cố gắng thể hiện rằng: Có việc năm người này đánh nạn nhân, chỉ là hậu quả (chết người) không phải do việc đánh đó.

có rất nhiều điểm vô lý thể hiện qua kết luận điều tra mới nhất này. Theo đó, CQĐT đã kết luận thương tật trên thi thể của ông Cường tổng cộng là 6% nếu nạn nhân còn sống và để lại sẹo (thương tích dưới 11% nên phải đình chỉ vụ án khi phía bị hại rút yêu cầu khởi tố). Tuy nhiên, tại các kết luận giám định trước đó, cơ quan giám định đã phủ nhận điều này.

Cụ thể, tại kết luận giám định ngày 16-9-2012, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang kết luận: Do nạn nhân đã tử vong, không xác định được di chứng do các thương tích để lại nên chỉ xác định được mức độ tổn hại sức khỏe tối thiểu do thương tích gây nên trong trường hợp nếu nạn nhân còn sống, được điều trị kịp thời, tiến triển điều trị tốt. Tương tự, tại kết luận giám định ngày 28-6-2013, Viện Khoa học hình sự cũng khẳng định: Không có cơ sở pháp lý xác định mức độ tổn hại sức khỏe của ông Cường do các vết thương. Căn cứ văn bản pháp luật hiện hành chỉ quy định xếp hạng thương tật cho sẹo vết thương phần mềm (khi vết thương đã liền sẹo). Không có quy định xếp hạng thương tật cho vết thương. Điều này có nghĩa khi nạn nhân đã chết, những vết thương trên cơ thể không thể hình thành sẹo nên việc kết luận thương tật 6% của CQĐT chỉ mang tính nhận định, không phải cơ sở kết luận.

Lách luật?

Đó là chưa nói việc khởi tố theo yêu cầu của phía bị hại và đình chỉ do họ rút yêu cầu trong vụ này cũng hết sức lạ lùng: Ngày 4-3-2015, vợ nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn về tội cố ý gây thương tích (trong khi tháng 12-2014, CQĐT vẫn ra một kết luận điều tra bổ sung tiếp tục đề nghị truy tố năm người nói trên về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS). Ngay hôm sau (5-3), vợ nạn nhân đã rút đơn yêu cầu này.

Lẽ ra, CQĐT phải thay đổi tội danh khởi tố (từ giết người sang cố ý gây thương tích) ngay sau khi nhận đơn yêu cầu của vợ nạn nhân. Đằng này một ngày sau khi vợ nạn nhân rút đơn (6-3), tức thời điểm mà sự kiện pháp lý để khởi tố theo đơn yêu cầu phía bị hại đã chấm dứt, CQĐT mới ra quyết định thay đổi tội danh khởi tố. Chỉ trong vòng vài ngày tiếp đó, CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra về tội mới rồi căn cứ vào việc phía bị hại rút đơn để đình chỉ vụ án.

Năm người dân đã bị bắt tạm giam hơn 30 tháng, bị khởi tố, truy tố về tội giết người với mức án cao nhất đến tử hình. Lẽ ra khi không chứng minh được tội phạm, CQĐT phải nhìn thẳng vào sự việc, chân thành khắc phục sai sót để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ thì ngược lại. Việc xếp lại vụ án bằng cách chuyển sang một tội chỉ được khởi tố theo yêu cầu của phía bị hại, sau đó đình chỉ với lý do phía bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố là một tiền lệ hết sức nguy hiểm. Với cách làm này có thể sẽ không một cá nhân nào phải chịu bất cứ một hình thức xử lý kỷ luật nào.

Diễn biến sau khi phiên xử thứ 14 gần nhất

- Ngày 12-12-2014, CQĐT ra kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố năm bị can về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.

- Ngày 4-3-2015, vợ nạn nhân có đơn đề nghị khởi tố năm bị can về tội cố ý gây thương tích. Nhưng ngày 5-3-2015, bà này rút đơn.

- Ngày 6-3, CQĐT có quyết định thay đổi tội danh đối với năm bị can từ giết người thành cố ý gây thương tích.

- Ngày 9-3, CQĐT hoàn thành kết luận điều tra đối với năm bị can về tội cố ý gây thương tích.

- Ngày 11-3, CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án cố ý gây thương tích đối với năm bị can với lý do đại diện hợp pháp của bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố (về tội cố ý gây thương tích).

- Ngày 1-4, năm công dân này đã đến VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an để gửi đơn kêu oan.

- Ngày 3-4, CQĐT mời năm người đến trụ sở Công an tỉnh Tuyên Quang để làm việc về hành vi vi phạm hành chính xuất phát từ tội cố ý gây thương tích. Sau khi được giải thích, năm người này đã từ chối làm việc và nói chỉ làm việc khi nào có quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND Tối cao.

- Ngày 22-4, VKSND Tối cao làm việc với các ông Thái, Tiếp, Quang về nội dung tố cáo việc bị bức cung, nhục hình.

- Ngày 23-4,CQĐTcủa VKSND Tối cao đã làm việc với các ông Tuyên, Sơn về cùng nội dung trên.

- Ngày 19-7, đoàn giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức (thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…) đã làm việc với năm người dân để chuẩn bị cho việc giám sát vụ án này tại Tuyên Quang vào tháng 8-2015.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nên vào cuộc

Trong vụ án này, nếu có oan sai thì phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Nếu có những dấu hiệu về việc năm người dân tỉnh Tuyên Quang bị bắt, bị tạm giữ không có lệnh, lấy cung vào ban đêm, tức là việc thực hiện quy trình tố tụng sai thì người đứng đầu nhóm điều tra phải chịu trách nhiệm trước tiên, sau đó là đến những cán bộ thực hiện.

Để thúc đẩy giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn vụ việc này, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tuyên Quang nên vào cuộc vì ĐBQH tại tỉnh là người đại diện cao nhất cho dân, có đầy đủ quyền lực và kinh nghiệm để liên hệ với ai để giải quyết. Theo tôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nên báo cáo ngay với bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao. Những vị lãnh đạo này sẽ chỉ đạo vào cuộc nhanh hơn.

Nếu đã có những đoàn công tác của Bộ Công an, VKSND Tối cao làm việc với địa phương về vụ án này thì kết quả làm việc nên được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin để cử tri cả nước và cử tri Tuyên Quang được biết.

ĐBQH Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ
và Môi trường của QH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm