Khổ với nạn karaoke mùa dịch

Trong thời gian qua, báo Pháp Luật TP.HCMđã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng hát karaoke gây ồn ào từ sáng đến tối. trong thời gian mọi người dân đang phải ở nhà để thực hiện việc cách ly phòng, chống dịch bệnh,“nạn” karaoke khiến người dân vô cùng bức xúc.

Hát bất chấp

Trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà, chị Lâm Thúy (ngụ hẻm 71 đường số 9, phường 9, quận Gò Vấp) cho biết chị và gia đình không thể nghỉ ngơi, làm việc vì hàng xóm cứ liên tục hát karaoke để giải trí.

“Từ 4-5 giờ chiều thì họ bắt đầu hát, có hôm hát tận nửa đêm mới nghỉ. Mỗi ngày tôi đều bị ám ảnh với đủ thể loại nhạc, từ nhạc vàng, ca cổ đến nhạc thiếu nhi. Nhạc bật to, hát thì gào lên, gia đình tôi không ngủ nghỉ, làm việc gì được, chỉ biết chịu đựng khi hàng xóm hát” - chị Thúy kể lại.

Cũng theo chị Thúy, thời gian đầu khi hàng xóm hát, chị cũng đã nhiều lần góp ý. Tuy nhiên, mọi nhắc nhở của chị đều vô vọng. Sợ mất lòng hàng xóm nên chị cũng không trình báo sự việc lên chính quyền phường. Nhưng đến lúc này, thực sự chị và gia đình đã hết sức chịu đựng.

Anh Thanh Tùng (đường Mai Am, phường 9, quận 8) cho biết gia đình anh và một số hộ kề bên cũng không thể nào chịu nổi nạn hát karaoke của một hộ gần nhà.

Theo anh Tùng, hộ thường xuyên hát karaoke này chỉ mới xuất hiện trong những ngày thực hiện việc cách ly toàn xã hội để phòng dịch. Sáng, trưa, chiều, tối họ đều có thể hát, hát bất chấp sự nghỉ ngơi của hàng xóm.

“Trong thời gian thực hiện việc cách ly toàn xã hội, tôi cũng phải làm việc tại nhà, con cái thì học online. Việc ca hát kiểu này làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, sinh hoạt không chỉ của gia đình tôi mà của nhiều hộ gia đình khác” - anh Tùng nói.

Gọi báo công an phường

Trước những phản ánh trên của bạn đọc, PV đã có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các phường có sự việc trên.

Ngày 14-4, ông Hoàng Văn Tuấn (Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Gò Vấp) cho biết hiện UBND phường 9 chưa nhận được phản ánh của người dân về tình trạng hát karaoke gây ồn ào tại hẻm 71 đường số 9.

Ông Tuấn cho biết hẻm 71 đường số 9 có sáu hộ dân sinh sống. Trong đó có một hộ dân kinh doanh bốn phòng trọ, không có hộ kinh doanh karaoke. Đây là khu vực được lực lượng công an, dân phòng phường thường xuyên tuần tra trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, ông Tuấn đã cử lực lượng công an phường xuống kiểm tra khu vực này. Chiều cùng ngày, ông cho biết khu vực hẻm 71 có một hộ hát karaoke tại nhà.

Qua kiểm tra, đây là hộ của bà LTBV, hộ có sáu nhân khẩu. Tuy nhiên, chỉ có bà V. hát karaoke trong nhà.

“Làm việc cùng UBND phường, bà V. đã nhận lỗi và cam kết không hát karaoke trong thời gian cách ly. UBND phường đã tiếp tục giao tổ dân phố kiểm tra việc chấp hành của bà V.” - ông Tuấn nói.

Ông Trương Thế Kiệt (Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 8) cũng cho biết trước phản ánh của người dân về tình trạng hát karaoke gây ồn ào tại đường Mai Am, UBND phường 9 đã cử lực lượng chức năng kiểm tra.

Theo tìm hiểu, địa điểm được người dân phản ánh là một quán cà phê. Người hát karaoke cũng chính là chủ quán và chỉ hát một mình.

“UBND phường đã làm việc với chủ quán cà phê này. Người này đã cam kết đóng cửa và không ca hát karaoke. Bước đầu, UBND phường nhắc nhở và giao tổ trưởng dân phố thường xuyên kiểm tra địa điểm này. Nếu chủ quán tái phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” - ông Kiệt cho biết.

Cũng theo ông Kiệt, người dân khi có bức xúc về một hộ nào hát karaoke gây ồn ào có thể phản ánh ngay tới UBND phường hoặc công an khu vực biết để xử lý.

Coi chừng bị phạt

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trong thời gian cách ly tại nhà, người dân hát karaoke, ngoài yêu cầu đảm bảo các tiêu chí an toàn tránh nguy cơ lây truyền dịch bệnh thì cần lưu ý đến việc giữ gìn trật tự, tránh gây ồn ào cho người xung quanh.

Luật sư Tuấn cho biết Chỉ thị 16 của Thủ tướng nêu rõ: Người dân không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

Những trường hợp tập trung hát karaoke, uống rượu bia tại nhà hay nơi công cộng từ hai người trở lên sẽ bị xử phạt theo điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013.

Theo đó, mức phạt 5-10 triệu đồng với cá nhân có hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp người dân chỉ một mình hát karaoke tại nhà nhưng gây ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng vẫn bị xử lý hành chính.

Cụ thể, cá nhân gây mất trật tự, gây ồn trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì có thể bị xử phạt số tiền 100.000-300.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013.

Hát karaoke cũng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Một bác sĩ khoa nhiễm ở một bệnh viện cho biết: Sau khi đi vào vùng hầu họng, virus COVID-19 sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm con. Trong giai đoạn ủ bệnh, người mang virus không có triệu chứng nên người khác không thể biết. Do đó, virus có khả năng lây truyền từ người ủ bệnh sang người khác nếu không có các biện pháp phòng tránh.

Người ủ bệnh khi hát karaoke, tiếp xúc với đồng nghiệp, đối tác, bạn bè… dễ dẫn đến việc lây nhiễm COVID-19 hơn.

Mặt khác, chiếc micro cầm trên tay rồi chuyền từ người này sang cho người khác cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm