Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành xin ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (giai đoạn 1).
Theo đó, Ban Giao thông đang tiếp tục phối hợp cùng đơn vị Tư vấn làm việc với các Thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn tất thủ tục xin ý kiến biểu quyết thông qua Báo cáo kết quả thẩm định BCNCTKT dự án, làm cơ sở để UBND TP hoàn tất thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài tuyến khoảng 50,977 km. Trong đó đoạn qua địa bàn TP.HCM là 24,660 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh là 26,317 km.
Sở GTVT TP cho biết trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư 4 làn xe tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô 6 làn xe trên toàn tuyến.
Theo đó, nút giao khác mức liên thông được thiết kế tại các vị trí giao với tuyến đường Vành đai 3, TL8, ĐT787B, QL22B và QL22.
Giai đoạn 1 đầu tư 4 nút giao khác mức liên thông (Vành đai 3, TL8, ĐT787B và QL22B) và 1 nút giao bằng với QL22; bố trí cầu vượt trực thông, hầm chui tại các đoạn giao cắt với các huyện lộ, hương lộ, đường dân sinh; xây dựng đường gom dân sinh; hệ thống giao thông thông minh ITS phục vụ quản lý, điều tiết an toàn giao thông trên tuyến; bố trí trạm thu phí trên tuyến cao tốc và các nhánh ra vào nút giao. Áp dụng công nghệ thu phí không dừng.
Về tiến độ dự án dự kiến, UBND TP.HCM đang hoàn thiện hồ sơ BCNCTKT dự án theo báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng TĐLN và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong đầu tháng 3 (dự kiến trước 15-3); Phê duyệt BCNCTKT dự án vào tháng 10-2024.
Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai từ tháng 10-2024 đến tháng 10-2025.
Sở GTVT cho biết dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ chính thức được khởi công vào tháng 5-2025. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành, thông xe đưa công trình vào khai thác vào tháng 12-2027.
TP.HCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh thế nào?
UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án.
Hiện các sở ngành liên quan của 2 địa phương đã thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Vừa qua, tổ này đã phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Ban Giao thông và các sở ngành của TP sẽ phối hợp với tỉnh Tây Ninh trong việc triển khai cho dự án thành phần GPMB đoạn qua tỉnh Tây Ninh và TP.HCM và dự án thành phần xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc và cầu trong nút giao.