Việt Nam và Campuchia tính làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài - Phnom Penh – Bavet

(PLO)- Dự kiến, Việt Nam và Vương quốc Campuchia sẽ kết nối với nhau thông qua 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh – Bavet.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-10, Bộ GTVT, UBND TP.HCM và Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính Vương quốc Campuchia đã tham dự cuộc họp về phương án kết nối với cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ giao thông Công chính Vương quốc Campuchia - Ngài So Victor; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia đã thống nhất

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết UBND TP được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM– Mộc Bài.

Dự án có chiều dài hơn 50 km, địa qua địa phận TP.HCM, Tây Ninh. Dự án có điểm đầu giao với đường vành đai 3 và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2023-2027.

tphcm-mocbai
Việt Nam và Vương quốc Campuchia đang bàn phương án kết nối thông qua cao tốc.

Hiện Bộ GTVT đã đề nghị nghiên cứu kết nối giữa cao tốc TP.HCM– Mộc Bài với cao tốc Phnôm Penh – Bavet. Sau khi trao đổi, thống nhất tỉnh Tây Ninh, UBND TP đã có ý kiến gửi Bộ GTVT. Trong đó, dự án TP.HCM – Mộc Bài kết nối vào quốc lộ 22 là phù hợp quy hoạch.

Đối với tuyến kết nối cao tốc TP.HCM– Mộc Bài với cao tốc Phnom Penh – Bavet nằm ngoài phạm vi dự án cao tốc TP.HCM– Mộc Bài hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, hiện chưa được xác lập trong các đồ án quy hoạch liên quan như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…. Do đó tuyến nối cần phải được nghiên cứu bổ sung vào các quy hoạch có liên quan của tỉnh Tây Ninh.

Hiện tại, kết nối giao thông, giao thương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu Mộc Bài/Bavet thông qua Quốc lộ 22 (phía Việt Nam) và Quốc lộ 1 (phía Campuchia).
Tỉnh Tây Ninh cũng đang lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, vì vậy trước mắt cần nghiên cứu đoạn kết nối cao tốc qua thị trấn Bến Cầu đến khu vực chốt Cây Me với cao tốc Phnom Penh – Bavet.

Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cho biết biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia đã nêu rõ: Tuyến đường cao tốc Phnom Penh - Bavet gần biên giới Campuchia và Việt Nam được quy hoạch tại vị trí bên cạnh cột mốc biên giới số 164 tại làng Thiok, cách Quốc lộ 1 (NR1) khoảng 4 km, thuộc làng Prey Phdao của xã Chrok Mtes, thành phố Bavet”.

Tuy nhiên, điểm kết nối được đề xuất và kế hoạch phát triển trong tương lai để xây dựng một công trình biên giới mới tùy thuộc vào quyết định và thỏa thuận tiếp theo của cả hai Chính phủ”.

Như vậy, điểm kết nối mới trong tương lai (kết nối 2 tuyến cao tốc) cũng như kế hoạch xây dựng các công trình biên giới mới cần được sự thoả thuận cấp Chính phủ của Việt Nam và Campuchia.

Gấp rút mở rộng 5 km đường Xuyên Á - Quốc lộ 22

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết tháng 7-2023, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tây Ninh và TP.HCM đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Công chính Campuchia tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh để thảo luận về phương án kết nối tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài với tuyến cao tốc Phnôm Penh – Bavet. Buổi làm việc này, hai bên đã thống nhất sơ bộ.

Cụ thể, giai đoạn 1, hai cao tốc kết nối với nhau tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài/Bavet thông qua đường Xuyên Á (AH1) hiện hữu (Quốc lộ 22 phía Việt Nam và Quốc lộ 1 phía Campuchia). TP sẽ nâng cấp mở rộng mặt đường Xuyên Á hiện hữu nhằm khai thác tối đa hạ tầng cơ sở đã được đầu tư tại cặp cửa khẩu Mộc Bài/Bavet.

TP.HCM-MOCbai
TP.HCM và Campuchia sẽ kết nối với nhau thông qua hai tuyến cao tốc TP.HCM– Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh – Bavet, theo 2 giai đoạn.

Hiện tại, phía Campuchia, quốc lộ 1 hiện trạng đã mở rộng từ 6-8 làn xe. Phía Việt Nam, quốc lộ 22 hiện trạng 4-6 làn xe, được mở rộng thành 10-12 làn xe (đoạn từ điểm kết nối với cao tốc TP.HCMM – Mộc Bài đến cửa khẩu Mộc Bài).

Giai đoạn 2, Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia sẽ phối hợp thành lập đoàn công tác nghiên cứu điểm kết nối trực tiếp 2 cao tốc. Trong đó bao gồm cao tốc TP.HCM– Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh – Bavet để bổ sung vào quy hoạch và triển khai thực hiện các bước tiếp theo ở thời điểm thích hợp.

Tại cuộc họp hôm nay, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường tiếp tục có ý kiến. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, kết nối 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh – Bavet qua cặp cửa khẩu hiện hữu.

TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn 5 km đường Xuyên Á (QL22) từ cửa khẩu Mộc Bài đến nút giao với cao tốc TP.HCM- Mộc Bài lên 10 - 12 làn xe để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, thông thương hàng hóa giữa 2 nước.

UBND TP đề nghị Bộ GTVT, UBND Tây Ninh tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông công chính Campuchia trong việc nghiên cứu, đề xuất quy hoạch tuyến kết nối; tính toán phương án và giai đoạn đầu tư phù hợp để kết nối trực tiếp giữa 2 cao tốc khi quốc lộ 22 không còn đáp ứng nhu cầu.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là một trong các dự án trọng điểm xác định đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2022-2027 theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ. Như vậy, các đơn vị cần triển khai ngay để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND TP đề nghị Bộ GTVT sớm thống nhất các nội dung UBND TP.HCM đã báo cáo Bộ GTVT về phương án kết nối tại nút giao giữa đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm