Khởi động xác minh tài sản, thu nhập, cả nước phát hiện 16 cán bộ kê khai chưa đúng quy định

(PLO)- Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo đầu tiên về việc xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, theo đó cả nước phát hiện 16 cán bộ kê khai chưa đúng quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng về việc chuẩn bị báo cáo thường niên trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng 2022.

2022 là năm đầu tiên thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: PLO

2022 là năm đầu tiên thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: PLO

Tài liệu mà Thanh tra Chính phủ đệ trình có một điểm mới so với các báo cáo đã trình Quốc hội các năm trước là thông tin về kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - một nội dung quan trọng được bổ sung vào Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nhưng đến năm 2022 này - tức trễ 3 năm kể từ khi đạo luật có hiệu lực, mới triển khai được.

Để tổ chức thi hành Luật 2018, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhưng chưa đủ, đến tháng 2-2022, Bộ Chính trị mới ra Quyết định 56-QĐ/TW, ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Quy chế 56 phân luồng lại theo nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ của Đảng.

Trên cơ sở các quy định này, Thanh tra Chính phủ mới tham mưu và ngày 29-6, Thủ tướng đã chấp thuận định hướng xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập 2022 bằng phương pháp ngẫu nhiên theo Luật 2018, để phổ biến, triển khai trên cả nước.

Là mô hình phi tập trung, cả nước đang có khoảng 890 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cũng là các cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập. Trên cơ sở định hướng mà Thủ tướng đã phê duyệt, ở năm đầu tiên thực hiện việc xác minh, các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập đặt trọng tâm xác minh với những người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong các lĩnh vực, các khâu, công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Danh sách được nêu ra là sáu lĩnh vực: đầu tư xây dựng; đấu thầu; tài chính ngân sách; quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; công tác tổ chức cán bộ; cấp phép, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19.

Nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã công bố kế hoạch cụ thể của mình.

Tại Bộ Y tế, tổ xác minh sẽ làm việc với 20/104 đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Trong số này, lựa chọn ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu đơn vị hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị.

Tại Hà Nội, Thanh tra tiến hành xác minh tại 12/131 đơn vị. Tối thiểu 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm của đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra được đưa vào xác minh trên cơ sở bản kê khai tài sản, dưới hình thức bốc thăm.

Tổng hợp số liệu toàn quốc theo kỳ báo cáo, đến thời điểm này, Thanh tra Chính phủ cho hay đã có hơn 542.000 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Việc xác minh tài sản, thu nhập theo phương pháp ngẫu nhiên đã tiến hành với hơn 7.600 người. Qua đó, các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập trên cả nước xác định có 16 người kê khai chưa đúng quy định. Số này đã được tổ chức kiểm điểm, xử lý.

Kiểm soát tài sản, thu nhập tuy là nội dung mới, nhưng chỉ là một phần trong báo cáo thường niên của Chính phủ. Dự thảo báo cáo 2022 sau khi được Thủ tướng phê duyệt và ủy quyền thì Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến, trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thường niên tháng 10.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm