Xác minh kê khai tài sản: Chậm nhưng sẽ chắc

(PLO)- Căn cứ những bản kê khai lần đầu tiên theo luật mới, kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 sẽ tập trung vào tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của các bản kê khai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Được coi là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng, các bản kê khai lần này được hy vọng sẽ không nằm im lìm trong tủ hồ sơ cán bộ như các lần kê khai theo luật cũ. Tất cả đang lần đầu tiên được đưa vào kiểm soát, dưới hình thức xác minh bắt buộc, một tỉ lệ nhất định, ngẫu nhiên.

Không biết bao nhiêu bản kê khai sẽ vào danh sách xác minh trong năm 2022 này. Nhưng với tính chất là lần đầu tiên, dựa trên căn cứ là những bản kê khai lần đầu tiên theo luật mới, mục tiêu và kết quả xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) năm 2022 hướng tới sẽ tập trung vào tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của các bản kê khai.

Chưa cần truy nguyên nguồn gốc hình thành tài sản, vốn là thực tiễn phức tạp, không dễ đánh giá đúng sai, lần đầu xác minh này, nhận diện được đúng thực trạng chất lượng kê khai về hình thức thể hiện, đã là rất tốt.

Cuộc xác minh của tỉnh Bình Phước được thực hiện những tháng cuối năm 2021, với số lượng không lớn 51 cán bộ, công chức, viên chức, được lựa chọn ngẫu nhiên, cho thấy ít nhiều thực tế ấy.

Với nội dung tiền gửi cá nhân, trong 51 người thì 19 người thực tế có tiền gửi ngân hàng. Vậy nhưng chỉ tám ngườilà kê khai đầy đủ, còn lại, tức 79% là không kê khai theo quy định.

Về tài sản là quyền sử dụng đất, thực tế cả 51 người đều có “tấc đất cắm dùi” - ít nhất là từ dữ liệu Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Phước và hai tỉnh lân cận Bình Dương, Lâm Đồng. Tuy nhiên, chỉ 76% bản kê khai là có thông tin đầy đủ, còn 10% là sai sót thông tin và 14% chưa kê khai đúng quy định.

Còn tài sản là ô tô, xe máy, cũng trong 51 cán bộ, công chức, viên chứctỉnh Bình Phước, 26 cá nhân có sở hữu, trong đó ba người -tương đương 12% không kê khai.

Số mẫu nhỏ ở Bình Phước liệu có thể phản ánh đến mức nào bức tranh chung về chất lượng kê khai tài sản trên toàn quốc? Câu trả lời chắc phải đợi kết quả làm việc cuối cùng của 890 cơ quan kiểm soát TSTN.

“Kê khai lần đầu” tức không đặt ra việc so sánh với các lần kê khai trước đó theo luật cũ. Và vì không so sánh nên không đặt ra việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Với hơn 1,28 triệu bản kê khai tài sản năm 2021 lần đầu tiên kê khai theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, nếu được nghiên cứu, phân tích kỹ, hẳn sẽ cho thấy bức tranh đời sống vật chất hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức cả nước.

Và việc xác minh TSTN trễ ba năm kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực, là “chậm” mà “chắc”và hy vọng giải pháp này tạo ra chuyển biến tích cực, thúc đẩy việc kê khai TSTN vào nền nếp, ít nhất là đúng, đủ, chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm