Khởi kiện chủ tịch huyện, tòa nào xử?

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trước đây quy định tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của chủ tịch và UBND cấp huyện. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo, nhiều người ủng hộ quy định này vì hạn chế được sự tác động từ phía ủy ban đến sự độc lập xét xử của thẩm phán.

Tuy nhiên, trong báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định trên bởi nó không phù hợp yêu cầu cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho tòa cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy sẽ không đề cao được vai trò, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán tòa cấp huyện trong việc giải quyết sơ thẩm án hành chính.

Tòa tỉnh chỉ xử sơ thẩm nếu thấy cần thiết

Để giải quyết vướng mắc, dự thảo mới nhất đã sửa đổi quy định như sau: Theo đề nghị của tòa cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, tòa cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch và UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền của tòa cấp huyện.

Tại hội thảo, ThS Lê Việt Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) nói không cần lo lắng tòa cấp huyện vì cả nể ủy ban, lãnh đạo ủy ban mà xử không khách quan. Bởi pháp luật đã có nguyên tắc là khi xét xử, HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nếu vì cả nể mà xử sai thì HĐXX phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả trách nhiệm hình sự về nhóm tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh tòa Hành chính TAND TP.HCM) cho rằng nếu giao cho tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của cấp huyện thì sẽ tạo ra sự quá tải ở tòa cấp tỉnh, kéo theo là sự quá tải của các tòa cấp cao trong việc giải quyết phúc thẩm.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp (Sở Xây dựng TP.HCM) nhận xét: “Suy cho cùng, thẩm phán tòa cấp nào thì cũng bằng đại học, trình độ ngang nhau để nhận định một vấn đề. Nguyên tắc xét xử độc lập đã cho người thẩm phán được chủ động. Bổ sung mới rất hay ở chỗ nếu thấy vụ việc không an toàn thì tòa cấp huyện còn có thể đề nghị tòa cấp tỉnh lấy lên xử”.

Chỉ ủy quyền cho cấp phó sẽ quá tải?

Một vấn đề gây nhiều chú ý khác: Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp người bị kiện ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc tham gia tố tụng. Người được ủy quyền không đủ thẩm quyền quyết định các vấn đề phát sinh tại tòa, gây nhiều trở ngại cho việc giải quyết án. Để khắc phục, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện”.

Bà Nguyễn Thị Mai (VKSND cấp cao tại TP.HCM) ủng hộ quy định này vì làm tăng trách nhiệm của người đứng đầu, để họ cẩn thận khi ra quyết định nhằm bảo vệ quyền lợi người dân tốt nhất. “Để chuyên viên nhận ủy quyền tham gia tố tụng thì họ đâu có quyết định được việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định bị kiện” - bà Mai nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh tòa Hành chính TAND TP.HCM) e ngại nếu quy định như vậy thì sẽ không đủ số lượng cấp phó để nhận ủy quyền tham gia tố tụng bởi hằng năm án hành chính có thể lên tới hàng trăm vụ.

Ông Trần Văn Bảy (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cũng nhận xét: Mỗi cơ quan thường có 3-4 cấp phó. Nếu chỉ có người đứng đầu và cấp phó được tham gia vụ án hành chính với tư cách người bị kiện thì họ sẽ không còn thời gian để quản lý, điều hành công việc. Lúc đó, hậu quả phát sinh chung cho xã hội nhiều khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với quyền lợi hợp pháp của riêng người khởi kiện. Ngoài ra, hầu hết quyết định, hành vi hành chính đều do các đơn vị có liên quan hoặc bộ phận tham mưu đề xuất xử lý. Những người trực tiếp xử lý này sẽ nắm rõ nội dung và các quy định pháp luật liên quan hơn.

Bên cạnh đó, ông Bảy cũng lưu ý cần có cơ chế cho người được ủy quyền toàn quyền quyết định các vấn đề phát sinh khi tham gia tố tụng.

Ông Võ Văn Cường (TAND cấp cao tại TP.HCM) thì đề nghị bổ sung quy định người được ủy quyền phải có mặt, nếu vắng mặt thì phải có ý kiến của người ủy quyền, nếu không tòa sẽ xử vắng mặt phía bị kiện. Ông Cường dẫn chứng: Có một vụ chủ tịch tỉnh bị kiện đã ủy quyền cho chín người từ cấp tỉnh xuống đến cấp thị trấn, những người này hay vắng mặt nên tòa phải hoãn xử rất nhiều lần.

Án hành chính tăng

Năm 2015, Tòa Hành chính TAND TP.HCM thụ lý 141 vụ kiện hành chính, tăng nhiều so với năm 2014 (94 vụ). Nguyên nhân là do Nghị quyết 01/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung giữ nguyên quyết định hành chính ban đầu cũng trở thành đối tượng khởi kiện hành chính. Từ ngày nghị quyết này có hiệu lực (1-3-2015), nhiều người khởi kiện đã bổ sung yêu cầu là khởi kiện luôn quyết định giải quyết khiếu nại.

Cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến án hành chính tăng là Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014 quy định văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện là chi nhánh trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP (Sở TN&MT). Khi quyết định, hành vi hành chính của các chi nhánh này bị kiện thì thẩm quyền giải quyết là của TAND TP.

Tòa xử luôn quyết định kỷ luật công chức?

Thực tiễn cho thấy trong số các quyết định, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, có một số quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động như quyết định kỷ luật công chức bằng hình thức giáng chức, cách chức, hạ bậc lương. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng loại quyết định này thuộc đối tượng khởi kiện, tương tự như quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Do đó, cần mở rộng thẩm quyền của tòa theo hướng giải quyết các khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh tòa Hành chính TAND TP.HCM, nhận xét quy định trên phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp là mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều