Khởi kiện để CSGT biết làm đúng luật

Trong mọi lĩnh vực của đời sống, pháp luật luôn có những quy định yêu cầu người dân phải tuyệt đối tuân thủ. Chẳng hạn, đơn khởi kiện phải ghi ngày, tháng, năm làm đơn; tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện… Đơn khiếu nại cũng phải ghi rõ ngày, tháng, năm; có họ, tên và chữ ký của người khiếu nại. Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực tại thời điểm giao kết hợp đồng v.v… Nếu không thực hiện đúng như vậy, đơn khởi kiện hay đơn khiếu nại sẽ không được tiếp nhận; hợp đồng mua bán nhà ở có thể bị tòa xử vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về hình thức của hợp đồng…

Vậy sao đối với các cơ quan công quyền thì lại có sự du di? Theo bài báo thì biên bản vi phạm hành chính do CSGT lập ghi sai năm sinh của người vi phạm và thời gian vi phạm. Khi biên bản là căn cứ để cơ quan thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì những sai sót mà bài báo cho là tiểu tiết đó làm sao có thể dễ dàng cho qua? Dân không được quyền làm sai pháp luật, vậy sao CSGT làm sai lại được tòa chấp nhận sau khi đã rút kinh nghiệm nội bộ?

Theo tôi, nếu biên bản lập không chính xác thì phải hủy quyết định xử phạt. Đã là người thi hành pháp luật thì nhất định phải làm đúng răm rắp. Những phiên tòa như thế sẽ giúp các cơ quan hữu quan kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót, góp phần hoàn thiện bộ máy.

MINH TRÍ (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm