Ban lãnh đạo khởi nghĩa đóng sát nách trung tâm Sài Gòn, Việt Minh công khai ra mắt người dân, ngay trong ngày độc lập máu đã đổ, cuộc chiến đấu mới đã chớm mầm.
Tháng 10-1943, chưa bắt được liên lạc với Trung ương nhưng để ứng phó kịp thời, chớp đúng thời cơ khởi nghĩa, các đồng chí phụ trách các liên tỉnh ủy ở Nam Bộ đã tổ chức hội nghị bầu Ban Cán sự Xứ ủy. Ông Giàu được bầu làm bí thư Ban Cán sự Xứ ủy. Xứ ủy khẩn trương tổ chức lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa mà trong đó xung kích là lực lượng Thanh niên Tiền phong, Xứ ủy cũng ra tờ báo tên Tiền Phong nên còn được gọi là Xứ ủy Tiền Phong.
Hội nghị Xứ ủy
Ngày 10-8-1945, quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Tối 16-8, ông Giàu triệu tập hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng tại Chợ Đệm bàn về khởi nghĩa. Ông Giàu định ngày 17-8 sẽ khởi nghĩa nhưng gặp nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Hội nghị gút lại tiếp tục chuẩn bị chu đáo, chờ tin từ Hà Nội. Bởi vì kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 cho thấy nếu một mình tự làm sẽ bị đàn áp.
Lãnh đạo thành phố thăm Giáo sư Trần Văn Giàu nhân ngày 20-11-2009. Ảnh: T.XUÂN
Từ ngày 17 đến 20-8-1945, Sài Gòn chứng kiến hai sự kiện đặc biệt tiền khởi nghĩa: Lễ tuyên thệ của Thanh niên Tiền phong và Mặt trận Việt Minh ra công khai. Hôm ấy, hơn 50.000 thanh niên từ ngoại ô, các phố nội thành đổ vào trung tâm Sài Gòn. Tất cả đều đồng phục, hàng ngũ chỉnh tề, cùng hát vang bài Lên đàng. Đến giờ quy định, tất cả tập trung tại Công viên Tao Đàn. Huynh trưởng Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn nảy lửa, hô hào tuổi trẻ theo gương các anh hùng liệt sĩ. Tráng trưởng Huỳnh Văn Tiểng đọc ba lời thề. Tất cả đoàn viên quỳ một chân, đưa tay lên hô: “Xin thề!” vang dội. Sau đó đoàn người kéo ra tuần hành trên các phố lớn. Ngay hôm sau là lễ “Ra công khai” của Mặt trận Việt Minh. Ông Giàu và các thành viên Mặt trận Việt Minh xuất hiện công khai trước hàng vạn công chúng. Thanh niên Tiền phong và các tổ chức quần chúng xuống đường biểu tình chính trị ủng hộ Việt Minh. Thời cơ và lực lượng khởi nghĩa ở Sài Gòn và cả Nam Bộ đã chín muồi. Việc tổ chức Việt Minh ra mắt công khai và các đoàn thể chính trị tuyên thệ trung thành với Việt Minh ngay khi chưa giành chính quyền là nét độc đáo của Nam Bộ.
Đứng lên giành chính quyền
Ngày 20-8, nghe từ máy thu thanh tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, lập tức, ngày 21-8 tại Chợ Đệm, Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng họp lần thứ hai bàn việc khởi nghĩa. Mọi việc tưởng đã xuôi chiều, chẳng ngờ lại có người bàn lui: “Mặc dầu Thiên Hoàng đã tuyên bố đầu hàng nhưng quân đội Nhật ở Sài Gòn nói riêng, ở Nam Kỳ nói chung còn đông lắm và vẫn giữ vững đội ngũ. Nếu bản thân nó không chống lại cuộc khởi nghĩa của ta thì Anh, Pháp cũng ra lệnh cho nó đánh ta”.
Ông Giàu đề nghị giải pháp chọn Tân An quê ông làm điểm khởi nghĩa. Nếu khởi nghĩa ở Tân An thành công, Nhật không phản ứng sẽ cho Sài Gòn và Nam Bộ khởi nghĩa. Hội nghị đồng ý. Ông Ba Hoằng, đại biểu Tân An, cấp tốc đi xe đạp trở về tỉnh phát động khởi nghĩa. Nhưng bất ngờ ngay thời điểm này, tại Tân An có nhóm người có vũ trang toan cướp chính quyền nên Tỉnh ủy Tân An đã chủ động khởi nghĩa thành công và cử người lấy xe hơi của chủ tỉnh chạy lên Sài Gòn báo cáo cho Xứ ủy. Ông Ba Hoằng về tới cầu Bến Lức thì gặp xe này. Cả hai cùng quay lại chợ Đệm. Chuyện ông Hoằng đi bằng xe đạp về bằng xe hơi, có cắm cờ đỏ sao vàng xua tan mọi nghi ngại. Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba lập tức chỉ định lập Ủy ban Hành chánh lâm thời cho toàn Nam Bộ, bật đèn xanh khởi nghĩa. Chiều 24-8, Thanh niên Tiền phong vũ trang tầm vông vạt nhọn từ Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và dồn về Sài Gòn. Ngày 25-8, tại Sài Gòn đã diễn ra cuộc biểu tình lịch sử 1 triệu người đứng lên giành chính quyền sau gần 100 năm bị trị.
Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ngày 25-8-1945. Ảnh tư liệu (T.XUÂN chụp lại)
Bài diễn văn ứng khẩu
Ngày 31-8-1945, Trung ương điện vào cho biết lúc 2 giờ chiều 2-9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ tổ chức một cuộc mít-tinh và diễu hành thật lớn nhằm biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng.
Lễ đài lễ Độc lập 2-9-1945 đặt trên đường Lê Duẩn (hiện nay), phía sau nhà thờ Đức Bà. Cờ rợp trời: cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, cờ các nước đồng minh, cờ của các đoàn thể. Khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn. Đặc biệt khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” là sản phẩm của ông Giàu được viết bằng năm thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga đã xuất hiện trong ngày này.
Ban tổ chức buổi lễ dự định sẽ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và phát thanh lời Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập để đồng bào Sài Gòn nghe qua hệ thống loa phóng thanh nhưng do kỹ thuật, việc tiếp sóng không thành.
Ban tổ chức buổi lễ đề nghị ông Giàu (Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ) đứng lên phát biểu. Ông Giàu suy nghĩ, ghi lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu bài diễn văn mở đầu rất hùng hồn về ý nghĩa trọng đại: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống...”.
Ông vạch ra bối cảnh phức tạp của Nam Bộ thời ấy: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chính phủ Dân chủ Cộng hòa để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước. Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”.
Ông Trần Văn Giàu hỏi những người dự lễ: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân - ra mặt hay giấu mặt - trở lại không?”. Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp lại: “Không! Không! Không!” vang dội một góc trời.
Dự đoán trước âm mưu kẻ thù rắp tâm tái chiếm đất nước, ông kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.
Hai xứ ủy ở Nam Kỳ Sau khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940, hệ thống Đảng ở Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn cũng như toàn Nam Kỳ bị khủng bố, phá tan hoang. Hầu hết các đảng viên cốt cán có trọng trách lãnh đạo đều bị bắt, bị giết, bị đày đi Côn Đảo. Từ đó đến cuối 1943, Đảng bộ Nam Kỳ không có Xứ ủy và hoàn toàn mất liên lạc với Trung ương. Tháng 3-1941, chi bộ nhà tù Tà Lài cử tám đảng viên vượt ngục để gầy dựng lại cơ sở. Sáu người trong số này lần lượt bị bắt lại, chỉ có hai người thoát là Dương Quang Đông và Trần Văn Giàu. Hai người đã nắm tình hình, bắt lại liên lạc, lần lượt lập ra các tỉnh ủy mới ở 21 tỉnh, thành Nam Bộ. Tháng 10-1943, 11 trong số các tỉnh ủy mới đã cử đại biểu dự hội nghị tại Chợ Gạo (Mỹ Tho) để thành lập Xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị bầu ông Trần Văn Giàu làm bí thư Xứ ủy và ra tờ báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận. Xứ ủy này được gọi là Xứ ủy Tiền Phong. Song song, một nhóm đảng viên khác hoạt động ở vùng ven Sài Gòn, thuộc tỉnh Gia Định cũng nỗ lực khôi phục tổ chức Đảng, ra báo Giải Phóng làm cơ quan ngôn luận. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 20-3-1945, nhóm Giải Phóng họp tại Xoài Hột (Mỹ Tho), lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời và bầu ông Dân Tôn Tử làm bí thư. Xứ ủy này được gọi là Xứ ủy Giải Phóng. (Theo Lịch sử Đảng bộ TP.HCM) |
ANH KIỆT