Giữa năm 1940, do biến động từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, phát xít Nhật lăm le đổ bộ vào Đông Dương, thực dân Pháp bắt tất cả những người hoạt động chính trị giam lỏng ở Tà Lài mà không cần xét xử. Ông Trần Văn Giàu vừa mãn hạn tù Côn Đảo được chín ngày thì bị bắt đưa đi căng (trại giam) Tà Lài. Ông được bầu làm bí thư đảng ủy căng Tà Lài và tiếp tục công việc “giáo sư đỏ”. Nhà tù của thực dân Pháp lại trở thành trường đại học chính trị của Đảng.
Tranh luận với chúa ngục Tà Lài
Chúa ngục Tà Lài tàn ác và kiêu ngạo, đối xử với tù nhân rất khắc nghiệt. Đảng ủy nhà tù tổ chức tuyệt thực đấu tranh chống lại chế độ đối xử hà khắc. Chúa ngục thách thức các tù nhân cử người tranh luận với y. Ông Giàu được anh em tù cử làm người đại diện. Không ai đoán được cuộc đấu lý giữa tên chúa ngục (lúc nào cũng lăm lăm súng đạn) với người đại diện tù sẽ đi tới đâu. Ông Giàu cũng vậy, ông sẵn sàng hy sinh nhưng phải chết trong tư thế của người chiến thắng. Ông đứng trên một tảng đá lớn làm bục diễn thuyết, chung quanh là đông đảo anh em tù chính trị (để nếu có bị bắn chết thì cũng ngã từ trên cao xuống). Tên chúa ngục kiêu ngạo hỏi tại sao ông được học văn minh Pháp, được người Pháp dạy dỗ trưởng thành mà chống lại nhà nước Pháp. Ông Giàu lấy thực tế cuộc chiến tranh thế giới, nước Pháp bị Đức chiếm đóng, hàng vạn người dân Pháp yêu nước đang sẵn sàng hy sinh mạng sống để kháng chiến giành độc lập. Người Việt Nam cũng vậy, họ yêu quý nền văn minh Pháp nhưng nhất định đấu tranh tới giọt máu cuối cùng chống lại ách cai trị thực dân. Bài diễn thuyết kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của anh em tù. Tên chúa ngục phải cúi đầu im lặng.
Tổng thống Pháp F. Mitterrand và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn
Học dạy, học viết trong tù
Ai từng nghe Trần Văn Giàu nói chuyện đều phải thừa nhận ông có tài hùng biện. Hùng biện theo phong cách dân dã, rất Nam Bộ. Ông có cách nói rất dễ hiểu những vấn đề trừu tượng, triết học mà ngay cả những người học vấn thấp đều có thể hiểu được.
Trong lễ kỷ niệm cụ Đồ Chiểu tại chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, Long An hơn 20 năm trước, hàng trăm lão nông đứng dưới trời mưa lất phất say sưa nghe ông diễn thuyết. Ông nói thật dung dị: “Hôm nay, một ông già Nam Bộ nói chuyện với những ông già Nam Bộ về một ông già mù. Mù mà giỏi, mù mà làm được tới ba chuyện người sáng mắt chưa chắc làm được. Mù mà làm thơ, dạy học, coi mạch bốc thuốc…”. Tại hội thảo khoa học về Võ Công Tồn, một điền chủ, tư sản yêu nước, hy sinh ở nhà tù Côn Đảo, nhiều tiến sĩ giáo sư hùng hồn tán tụng ông Tồn là cử nhân, tú tài Pháp, là người đảng viên không cộng sản… Khi được mời kết luận, ông Giàu nói: “Tôi nhớ không lầm là hội đồng Tồn đẹp trai lắm!”, làm mọi người chưng hửng, tưởng ông đãng trí. Nhưng ông tiếp tục bắt mạch đặt vấn đề: “Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi tại sao không ra làm quan, cưới vợ đẹp mà đi làm cách mạng để chịu tù đày, chết bỏ thây ngoài Côn Đảo?”. Từ đó, ông đưa ra hai con đường giác ngộ cách mạng là vì quyền lợi và giác ngộ vì nhận thức. Với người trí thức, hiểu được quy luật xã hội, họ giác ngộ và tham gia cách mạng dù phải đi ngược lại quyền lợi của họ. Nhận xét về các bản tham luận xào nấu trên nền tư liệu thiếu kiểm chứng, ông cười móm mém: “Nãy giờ tôi thấy mấy chú nói trật mà trật xa dữ à! Hồi đó Sài Gòn chỉ có Trường Chasseloup dạy tới tú tài. Hội đồng Tồn chỉ có diplôme thôi, mà đâu phải đợi tú tài, cử nhân mới là trí thức…”.
Trong trao đổi riêng tư, ông cho biết đã rèn luyện kỹ năng này trong những năm tháng tù đày. Bằng mảnh gạch đỏ, nằm xoay trần trên nền xi măng, ông đã biên soạn tài liệu lý luận để giảng dạy. Để tuyên truyền giác ngộ và huấn luyện cho những người tù (đa phần là học vấn thấp) phải có cách nói thật hấp dẫn, dễ hiểu.
Vượt ngục để gầy dựng phong trào
Qua thông tin từ sách báo, từ những tù nhân mới bị đưa vô căng Tà Lài, ông Giàu và đảng ủy nhà tù nhận định Hồng quân sẽ chiến thắng phát xít Đức, Nhật đổ quân vào Đông Dương hất chân Pháp, thời cơ cách mạng Việt Nam sắp xảy ra. Đảng ủy biết rằng sau khởi nghĩa Nam kỳ các tổ chức đảng ở Nam kỳ bị thiệt hại nặng, hầu hết cán bộ ưu tú của Đảng lúc ấy đều bị giam ở Tà Lài, Bà Rá hay Côn Đảo. Việc tổ chức vượt ngục để xây dựng lại đảng bộ hết sức cần thiết. Đảng ủy tổ chức một chuyến vượt ngục thí điểm nhưng thất bại, tất cả đều bị bắt. Cuối cùng đảng ủy chọn ra tám đồng chí với tiêu chuẩn đặc biệt, có khả năng gầy dựng lại các tổ chức đảng, xây dựng phong trào, chuẩn bị khởi nghĩa. Tám người này chia thành hai nhóm đi theo hai hướng mà Pháp bất ngờ nhất. Nhóm một gồm Tô Ký, Châu Văn Giác, Trần Văn Giàu đi về hướng bắc ngược lên Đà Lạt. Nhóm thứ hai đi theo sông La Ngà thẳng về Sài Gòn.
Tại nhà Giáo sư Trần Văn Giàu (tháng 4-2007). Ảnh: THANH TRANG
Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào Stiêng và nhờ mưu trí đánh lạc hướng bọn cai ngục, cuộc vượt ngục đã thành công. Nhóm ông Giàu đã lên đến Đà Lạt, chỉ có Tô Ký bị bắt sau khi đến Đà Lạt; nhóm về Sài Gòn cũng thoát được. Công việc đầu tiên của họ là bắt liên lạc với xứ ủy và các tỉnh ủy, đồng thời xây dựng cơ sở đảng.
Nhà cách mạng lão thành, người thầy của nhiều thế hệ “Tôi bị đày đi căng Tà Lài (bọn Tây gọi là Camp des travailleurs Talai), một trại giam nằm trong rừng, cách thị trấn Định Quán, Đồng Nai hơn 15 cây số. Chi bộ nhà tù tổ chức học văn hóa lẫn chính trị. Anh Trần Văn Vi dạy về cách mạng tư sản dân quyền. Anh Trần Văn Giàu dạy chủ nghĩa Mác-Lênin… Một thời gian sau Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, chi bộ đảng nhà tù quyết định cho tám đồng chí vượt ngục, gồm các anh Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Châu Văn Giác, Trần Văn Kiết (Kiệt), Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Hoàng Sính (Đức) và tôi. Một nhóm năm người chạy về hướng Sài Gòn. Nhóm của tôi gồm anh Giàu, anh Giác và tôi băng rừng trốn lên Đà Lạt. Đến ngày thứ mười bảy thì tới nơi.” (Thiếu tướng Tô Ký trả lời phỏng vấn nhà báo Phan Hoàng) Gia nhập Đảng Cộng sản khi Đảng ta đang chuẩn bị ra đời, giữ chức vụ bí thư Xứ ủy Nam kỳ trước và trong Cách mạng Tháng Tám, chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu, nhờ sự đóng góp to lớn ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tặng thưởng các huân chương cao quý như huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Độc lập hạng Nhất và hôm nay được vinh dự nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng… Giáo sư Trần Văn Giàu là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam. Theo bác thì bác bước vào nghề giáo là một sự tình cờ do hoạt động bí mật lúc còn ở Sài Gòn, làm giảng viên tổ Thanh niên cộng sản do Xứ ủy Nam kỳ chỉ định, rồi làm thầy giáo của trí thức Sài Gòn những năm tiền Cách mạng Tháng Tám… Giáo sư-Tiến sĩ PHAN XUÂN BIÊN |
ANH KIỆT (Còn tiếp)