Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Khơi thông mọi nguồn lực, tạo bứt phá

Ngày 31-12-2019, kết thúc một ngày rưỡi hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quan trọng nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020.

“Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”

Đánh giá về những kết quả “toàn diện, vượt mức” đạt được trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

“Tại hội nghị này, qua báo cáo của các địa phương và các ngành, chúng ta thấy có nhiều mô hình tốt, cách làm tốt, kỷ luật tốt được thiết lập, cả ở cấp địa phương và cơ sở. Tôi nói vậy để thấy nếu địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt việc của mình thì phải làm tốt hơn” - Thủ tướng nói và đề nghị “phải nâng thành khát vọng phát triển của bộ, ngành mình, địa phương mình”.

Cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ đã mở rộng thông điệp “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế” thành “không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”.

“Đó mới là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đích thực của chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí.

Theo Thủ tướng, nhấn mạnh vấn đề kinh tế là đúng, vì có thực mới vực được đạo. “Nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mặt trận cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội. Có như vậy mới bền vững, người dân mới yên tâm” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những xuống cấp về đạo đức thời gian qua là đau lòng, vì thế chúng ta phải chuyển hướng mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc phải được giữ gìn; hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng Chính phủ cần tiếp thu và cụ thể hóa bốn bài học, năm nhiệm vụ như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập trong bài phát biểu trước đó.

Một là phải kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới và kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Nếu dừng lại thì không bao giờ thành công cả, phải phát huy, nhân lên, mạnh mẽ hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hai là tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, Thủ tướng cho rằng từ sự đoàn kết đó cần quyết tâm “tiến công” vào công việc được Đảng, Nhà nước giao cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân.

“Tôi xin nói thật là quyết tâm này còn thấp trong một bộ phận cán bộ. Khí thế, trách nhiệm chưa cao. Anh tâm huyết thì mới có sáng tạo được, anh làm lờn vờn thì không bao giờ có điều đó được đâu!” - Thủ tướng lưu ý.

Ba là tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, cổ vũ, giúp đỡ, ủng hộ, động viên, góp ý của cán bộ, đảng viên, các vị lão thành cách mạng, các tầng lớp nhân dân, báo chí… để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm, nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thủ tướng cho rằng: “Ai sống trên dư luận, không lắng nghe thì không được”.

Thứ tư là đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực phát triển.

Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương đã bước đầu có sự phát triển, các ngành, các thành viên Chính phủ không được chủ quan. Đừng cho rằng mình đã có nhiều thành thích, chưa đâu”.

3 trong 1 để phát triển bền vững

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật. Ngoài ý chí của mình còn một khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Kinh doanh phải gắn với vấn đề xã hội, kinh doanh đó không phải chỉ lo cho gia đình, cho bản thân. Điều này rất quan trọng, có như vậy cả dân tộc mới thành sức mạnh. Nếu không thì người dân nghèo vẫn cứ nghèo, người giàu cứ giàu, đó là lo ngại của chúng ta” - Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, “ý Đảng lòng dân; tinh thần doanh nghiệp; kinh tế - xã hội và môi trường” là công thức 3 trong 1 của sự phát triển thịnh vượng và bền vững của chúng ta. 

Khơi thông mọi nguồn lực

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng đã có sáu chỉ đạo quan trọng. Đáng chú ý, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu xóa bỏ những nghị định nào đang kìm hãm sự phát triển, chứ không nói chung chung là “hệ thống pháp luật”. “Không phải nói hệ thống pháp luật ở đây là đổ hết cho Quốc hội đâu. Phần lớn luật pháp là do Chính phủ đề xuất. Có gì khó khăn cần tháo gỡ thì bàn với Quốc hội” - Thủ tướng yêu cầu.

Cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng, thế mạnh…, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử nghiêm các vi phạm.

“Một số tỉnh, một số ngành, bộ không giữ kỷ cương, kỷ luật, không nghiêm” - Thủ tướng nói và cho hay có tình trạng văn bản “ngâm” vài tháng không chịu trình ký, không chịu đề xuất giải pháp, hay né tránh, đẩy qua đẩy lại.

“Như thế là vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam chứ không phải bình thường đâu… Ở địa phương, sở này sở kia vẫn đổ trách nhiệm cho nhau, cái gì có lợi cho bộ, ngành mình thì làm, còn không có lợi thì không chịu làm” - Thủ tướng nói và yêu xử lý nghiêm những vi phạm này.

Thủ tướng cũng lưu ý việc phát huy, đẩy mạnh giá trị văn hóa con người Việt Nam, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để đất nước vững mạnh, hùng cường.

“Anh ở Tây Nam bộ, miền núi phía bắc, miền Trung hay Tây Nguyên thì anh đều phải có khát vọng về tỉnh mình, địa phương mình phát triển vươn lên. Còn sáng cắp ô đi, tối cắp về, không có khát vọng phát triển trong từng cơ quan, đơn vị, từng địa phương thì khó thành công” - Thủ tướng nói.

Dẹp các ổ nhóm, băng cướp để dân an tâm đón tết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở: “Tôi cũng lưu ý các đồng chí, theo chủ trương của Ban bí thư và Thủ tướng, không tranh thủ dịp tết này để cấp dưới biếu quà cấp trên. Tất cả đồng chí đều phải nêu gương. Các cấp không phải chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, để xe ùn ùn tới các nhà lãnh đạo không phải là cái tốt mà ngược lại”.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, các địa phương không để thiếu hàng, kể cả thịt heo và không được đẩy giá lên.

“Gần một tháng nữa là đến tết, chúng ta phải đảm bảo lo cho mọi nhà, mọi người đều có tết” - Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh tới chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Ông cũng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân trong dịp tết. Những ổ nhóm, băng cướp cần cương quyết dẹp bỏ. “Tôi đề nghị bộ trưởng Công an có chỉ đạo quyết liệt để người dân an toàn hơn trong dịp tết này” - Thủ tướng yêu cầu. 

Ý KIẾN BỘ TRƯỞNG

Bộ trưởng LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG:

Năm 2020: Chống đánh cắp nhân lực bất hợp pháp

Khơi thông mọi nguồn lực, tạo bứt phá ảnh 2
Bộ trưởng LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG

Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam nhiều nhưng cũng rẻ nhất. Đây không phải là ưu thế vượt trội để chúng ta thu hút đầu tư. Việt Nam trong tương lai nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì cần quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, giàu hàm lượng chất xám.

Trong năm 2020 cần quản lý chặt dân cư, phòng chống tội phạm tổ chức môi giới đưa người lao động ra nước ngoài và di cư bất hợp pháp.

Năm 2020, ta cần có các chính sách để đối phó với việc nới lỏng visa của một số nước. Vừa qua, có một số nước sau khi nới lỏng cấp visa du lịch, người đi du lịch qua đó được tuyển dụng thành người lao động luôn. Đây là cách “đánh cắp nhân lực một cách hợp pháp”. Trong quý I-2020, nhiều khả năng có những quốc gia do áp lực của già hóa dân số sẽ tìm mọi cách để đánh cắp nhân lực một cách hợp pháp bằng cách này. Do đó, nếu ta không có chính sách đối phó hiệu quả thì sẽ mất nhân lực một cách ồ ạt.

Bộ trưởng Công an, Đại tướng TÔ LÂM:

Cần thực hiện chính quy công an xã

Khơi thông mọi nguồn lực, tạo bứt phá ảnh 3
Bộ trưởng Công an, Đại tướng TÔ LÂM

Năm 2019, lực lượng công an đã phối hợp với các ngành để đạt mục tiêu kéo giảm tội phạm 7,39%, tương ứng 7.500 vụ. Con số này dù khiêm tốn nhưng có ý nghĩa rất lớn, giúp 7.500 gia đình không có tội phạm và 15.000 người không vào tù (trung bình một vụ án có hai tội phạm), tương ứng với kéo giảm năm trại giam.

Vi phạm giao thông hiện nay rất phổ biến, tràn lan. Nếu cứ vi phạm như vậy thì khó kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững… Do đó cần xây dựng luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông để có cách thức quản lý bền vững.

Năm 2020, cần thực hiện chính quy trong công an xã. Hiện các địa phương đã triển khai rất thành công, các tỉnh đều có nghị quyết triển khai. Mục tiêu của việc này là nhằm kéo giảm tội phạm, bám sát cơ sở, ngăn ngừa, xóa bỏ những mâu thuẫn trong từng thôn, xóm, tổ dân cư để không xảy ra tội phạm.

Bộ trưởng Nội vụ LÊ VĨNH TÂN:

Cần sớm thực hiện cải cách tiền lương

Khơi thông mọi nguồn lực, tạo bứt phá ảnh 4
Bộ trưởng Nội vụ LÊ VĨNH TÂN

Trong năm 2019, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ việc sắp xếp tổ chức bộ máy toàn diện và đồng bộ. Đến nay, đối với cấp xã, theo quy định tại Nghị định 34, công chức xã bình quân mỗi xã là hai người; những người hoạt động không chuyên trách ở mỗi xã 8-10 người, số lượng này giảm hàng ngàn người trong năm 2020.

Đến nay, việc sắp xếp xã, huyện cơ bản hoàn thành. Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo của 41/45 tỉnh về sắp xếp lại huyện, xã. Kỳ họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 21 tỉnh. Kỳ họp Ủy ban Thường vụ tới đây sẽ trình tiếp 20 tỉnh còn lại. Sau khi nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, trong 60 ngày đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt sắp xếp bộ máy.

Về việc tăng lương, thực hiện chính sách tiền lương năm 2021, Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban đã có kết luận, tôi đề nghị các bộ, ngành địa phương tranh thủ làm sớm để trình Ban bí thư cho ý kiến vào quý I-2020 này. Sau khi Ban bí thư, Bộ Chính trị cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, Chính phủ ra nghị định, các bộ mới có thông tư hướng dẫn.

Cố gắng đến năm 2021 phải xong thể chế để thực hiện cải cách tiền lương. Rất mừng là bộ trưởng Tài chính có thông tin là sẽ có 38.000 tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương. Đã có tiền rồi mà thực hiện không xong thể chế thì cũng không thực hiện được. Năm 2020 chuẩn bị toàn diện cho cải cách tiền lương nên một núi công việc cần phải làm, nếu không quyết liệt khó mà cải cách tiền lương được vào năm 2021.

ĐỨC MINH lược ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm