Trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo BLHS (sửa đổi), đã có những tranh luận gay gắt về chế định này bởi đây là vấn đề rất mới mà BLHS hiện hành không quy định.
Hai luồng quan điểm
Tổng hợp lại đến nay đã có hai luồng quan điểm đối lập nhau.
Quan điểm ủng hộ việc bổ sung cơ chế chuyển đổi từ hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn lập luận: Một trong những định hướng lớn sửa đổi BLHS lần này là giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm theo tinh thần Nghị quyết 49 của Đảng về cải cách tư pháp. Theo tinh thần đó, dự thảo đã bổ sung hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ vào nhiều điều luật. Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn hơn 14 năm thi hành BLHS cho thấy hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém nên đã “phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Do vậy việc bổ sung chế định chuyển đổi này là cần thiết để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt trên trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án…
Trong khi đó, quan điểm phản đối quy định này lại cho rằng việc chuyển đổi, về bản chất đã làm xấu hơn tình trạng của người bị kết án, khi họ đang từ không bị tước tự do (chỉ phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ) bị chuyển thành hình phạt tù.
Nếu có quy định chuyển đổi, từ nay người bị kết án phạt tiền nếu không thi hành án sẽ bị đổi thành phạt tù. Ảnh minh họa: THÙY DUNG
“Bản chất là nhẹ hơn”?
Đứng từ góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo BLHS (sửa đổi), tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng 16-7, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính) đã đưa ra những lý giải về việc cần bổ sung chế định chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù.
Theo bà Thoa, qua tổng kết thi hành BLHS hiện hành có hơn 80% các vụ án hình sự là áp dụng hình phạt tù. “Tại sao BLHS quy định nhiều biện pháp, nhiều chế tài thế mà cơ quan tư pháp lại chủ yếu áp dụng hình phạt tù? Bởi thực tế hiện nay phạt tiền đấy nhưng nếu người ta không thực hiện thì cũng chả làm gì được”.
Bà Thoa thừa nhận hình phạt tù là hà khắc, người đi tù về “mất rất nhiều thứ”. Tuy nhiên, nếu không có chế định chuyển đổi mà đi truy cứu trách nhiệm hình sự người không chịu chấp hành án phạt tiền, cải tạo không giam giữ (về tội không thi hành án) thì sự việc lại đi theo chiều hướng khác hẳn. Người không chịu chấp hành án phạt tiền, cải tạo không giam giữ sẽ phải chịu thêm một tội nữa, tức cùng một lúc họ có thể sẽ phải đồng thời chấp hành hai loại hình phạt chính khác nhau, làm nặng hơn tình trạng của họ.
“Quy định như dự thảo thì bản chất sẽ là nhẹ hơn. Chúng ta đừng đặt vấn đề “tiền sang tù thì tù mạnh hơn” vì chế tài các cơ quan pháp luật áp dụng đầu tiên là phạt tiền” - bà Thoa nhấn mạnh.
Bà Thoa sau đó cũng chia sẻ kinh nghiệm của một số nước, chẳng hạn như ở Đức, một người bị tuyên hình phạt tiền, trong một thời gian nào đó nếu anh ta không thi hành thì sẽ bị chuyển sang hình phạt tù, cách chuyển tính theo ngày công lao động. Không chỉ là phạt tiền, nếu người bị kết án không chấp hành về việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… thì cũng đều bị chuyển sang phạt tù.
Đề xuất chuyển đổi - Khoản 4 Điều 35 dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất hai phương án: + Phương án 1: Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, tòa án tuyên nếu trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc sau: a) Nếu khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù thì mức phạt tù chuyển đổi cao nhất không quá ba năm tù; b) Nếu khung hình phạt được áp dụng có quy định hình phạt tù lựa chọn với phạt tiền thì mức phạt tù chuyển đổi cao nhất không quá mức cao nhất của hình phạt tù tại khung hình phạt đó; c) Trường hợp người bị kết án đã chấp hành được một phần hình phạt tiền thì căn cứ vào phần hình phạt tiền còn lại phải chấp hành, tòa án quyết định chuyển đổi thành mức hình phạt tù tương ứng. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với pháp nhân, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng. + Phương án 2: Không quy định khoản này. - Khoản 5 Điều 36 dự thảo đề xuất: Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc ba ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù. Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng. |