Thú y nhùng nhằng bồi thường 885 triệu đồng

Bà Tôn Nữ Thị Trinh, chủ cơ sở giết mổ gia súc Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM), vừa gửi đơn tới giám đốc Sở NN&PTNT khiếu nại Chi cục Thú y TP.HCM và Trạm Thú y huyện Hóc Môn vẫn không bồi thường, không thực hiện việc kiểm soát giết mổ cho cơ sở của bà dù đã có phán quyết của tòa.

Trước đó, tại buổi làm việc hôm 2-7, đại diện hai cơ quan thú y trên đã làm việc với bà Trinh và tiếp tục yêu cầu cơ sở Bà Điểm phải thực hiện theo một số điều kiện thì ngành thú y mới thực hiện việc kiểm soát giết mổ lại. Bà Trinh cho rằng bản án của tòa đã khẳng định việc cơ quan thú y ngưng thực hiện kiểm soát giết mổ là sai, gây thiệt hại cho bà. Ngoài ra, tòa còn buộc cơ quan thú y thực hiện ngay lại việc kiểm soát giết mổ nên việc cơ quan thú y “đặt thêm điều kiện ngoài quyết định của tòa” là cố tình không thực hiện theo bản án.

Hai bản án chưa được thi hành

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, giữa tháng 12-2011, Chi cục Thú y và Trạm Thú y huyện Hóc Môn thông báo tạm ngưng kiểm soát giết mổ tại cơ sở Bà Điểm. Văn bản còn buộc cơ sở này ngưng hoạt động kể từ ngày 15-12-2011 nên cơ sở phải ngưng hoạt động từ đó cho đến nay. Không đồng ý với điều này, bà Trinh đã khởi kiện ra tòa hành chính. Tháng 5-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy văn bản của Chi cục Thú y và thông báo do Trạm Thú y huyện Hóc Môn vì trái luật. Tòa buộc hai cơ quan này phải thực hiện ngay việc kiểm soát giết mổ tại cơ sở này. Sau đó Sở NN&PTNT yêu cầu thi hành nghiêm bản án trên nhưng hai đơn vị trên vẫn phớt lờ...

Bà Trinh tiếp tục kiện dân sự yêu cầu hai cơ quan này bồi thường thiệt hại do bất tuân án tòa. Ngày 19-5, TAND TP.HCM xử phúc thẩm buộc hai cơ quan này phải liên đới bồi thường thiệt hại (do không thực hiện việc kiểm soát giết mổ) cho bà Trinh 885 triệu đồng. Bà Trinh đã nộp đơn yêu cầu thi hành án (THA).

Bà chủ Tôn Nữ Thị Trinh đi khiếu nại Chi cục Thú y TP.HCM và Trạm Thú y huyện Hóc Môn không chấp hành hai bản án. Ảnh: HOÀNG YẾN

Chấp hành nhưng phải... xin ý kiến

Sau khi báo đăng, PV đã liên hệ với Chi cục Thú y. Hai cán bộ được phân công tiếp PV chỉ trả lời về việc vì sao không thực hiện phán quyết của tòa trong vụ án hành chính. Những nội dung này đã được đề cập nhưng các cấp tòa đã không chấp nhận. Đối với nhiều thắc mắc được nêu ra, như vì sao tòa đã tuyên buộc bồi thường lại để kéo dài, dự kiến thú y lấy nguồn nào chi trả, cán bộ... hai cán bộ này khất lại. Họ đề nghị PV gửi câu hỏi cho ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y (PV đã làm theo nhưng chờ đợi trong thời gian dài vẫn không nhận được phản hồi).

Theo hai cán bộ trên, vụ kiện này là trường hợp đầu tiên mà hai cơ quan của ngành phải đối diện. “Chúng tôi có tinh thần chấp hành án tòa tuyên vào tháng 5-2013 một cách nghiêm túc. Nhưng do cơ sở giết mổ chỉ được phép hoạt động đến giữa năm 2012 và địa điểm nằm trong quy hoạch cần xem xét nên thú y không thực hiện ngay việc kiểm soát giết mổ tại đây. Khi bà Trinh nộp đơn yêu cầu THA hành chính, chúng tôi phải xem xét và xin ý kiến Sở NN&PTNT, UBND TP...” - một cán bộ nói.

Sau đó ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y, liên hệ với PV và cho biết chi cục không thống nhất với bản án dân sự buộc bồi thường. Đơn vị đang chuẩn bị gửi đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy vậy, ông Nguyên không cho biết căn cứ cụ thể đề nghị giám đốc thẩm. “Không phải chúng tôi không thi hành bản án hành chính mà trước đó gặp khó khăn trong việc kiểm soát giết mổ ở cơ sở này. Theo giấy phép kinh doanh, ông Chung (là chồng bà Trinh đã ly hôn) đứng tên. Sau khi bản án hành chính có hiệu lực, thú y có thông báo thực hiện kiểm soát giết mổ lại nhưng ông này đề nghị ngưng. Chính sự bất đồng này nên thú y gặp khó... Chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến của Sở NN&PTNT, UBND huyện Hóc Môn về vướng mắc này nhưng không nhận được trả lời nên không biết phải làm thế nào” - ông Nguyên phân trần.

Về việc bồi thường cho bà Trinh gần 900 triệu đồng, ông Nguyên cũng nói đang chờ ý kiến cấp trên hướng dẫn giải quyết. PV nêu thắc mắc việc xem xét trách nhiệm cá nhân về số tiền bồi thường này thì ông Nguyên nói: “Khi xem xét trách nhiệm thì phải xem cái sai là do cá nhân hay cơ chế mới quy trách nhiệm cụ thể”.

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), trong vụ này có hai bản án (một hành chính, một dân sự) đã có hiệu lực nhưng chưa được thực thi. Điều này thể hiện ý thức chấp hành án của hai cơ quan thú ý trên kém. Một khi bản án đã có hiệu lực thì các đối tượng liên quan phải chấp hành. Việc cơ quan thú y nại lý do chờ giám đốc thẩm mà trì hoãn THA là không đúng.

Do vậy, bà Trinh nên yêu cầu cấp trên trực tiếp của hai cơ quan này, cơ quan THA cùng VKS vào cuộc xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu vẫn kéo dài việc thi hành bản án hành chính. Luật Hình sự đã có quy định về tội không chấp hành bản án. Về bản án dân sự bồi thường sau này, sau khi bà Trinh có yêu cầu, cơ quan THA sẽ có trọn quyền, không chỉ là đôn đốc mà được phép THA bằng nhiều hình thức, kể cả niêm phong tài khoản ngân hàng, kê biên, phát mại bán đấu giá tài sản... của cơ quan thú y liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm