Ngày 26-6, gia đình khiêng anh Vũ Ngọc Dũng (21 tuổi) đến trước cửa xưởng sản xuất của Công ty TNHH Cơ khí chính xác Đồng Hiệp Phát ở phường Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) để đòi tiền bồi thường tai nạn lao động.
Nỗi đau mang tên tai nạn lao động
“Từ lúc Dũng bị tai nạn lao động gia đình tôi cầm cố nhà cửa và vay mượn nhiều nơi để có tiền chăm sóc, thuốc thang cho cháu. Bốn đứa con tôi trước khi Dũng bị tai nạn vẫn đi học nhưng giờ đứa lớn phải nghỉ học để chăm sóc em nằm một chỗ. Thế nhưng công ty không chịu bồi thường tiền tai nạn lao động cho con tôi. Cực chẳng đã gia đình tôi mới khiêng con bệnh tật đến công ty để đòi tiền bồi thường” - bà Phạm Thị Thanh, ngụ TP Biên Hòa (mẹ anh Dũng), nói trong nước mắt.
Theo bà Thanh, con bà vào thử việc tại Công ty Đồng Hiệp Phát từ ngày 14-5-2012 với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng không được công ty này ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Đến ngày 5-6-2012, trong lúc đang làm việc tại công ty, anh Dũng bị điện giật ngã xuống nền nhà bất tỉnh. Mặc dù được gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng bệnh tình của con bà vẫn không khỏi.
Tai nạn lao động đã biến anh Dũng từ một thanh niên khỏe mạnh, tháo vát trở thành một người hoàn toàn bị mất năng lực nhận thức và năng lực hành vi, mọi việc đều phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Theo kết luận của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam, tỉ lệ thương tật của anh Dũng là 85%.
Người nhà khiêng anh Dũng ra để trước cửa xưởng sản xuất của Công ty Đồng Hiệp Phát đòi tiền bồi thường. Ảnh: TIẾN DŨNG
Mòn mỏi chờ bồi thường
Theo gia đình anh Dũng, sau khi tai nạn xảy ra, đại diện phía công ty đến nói chuyện với gia đình và hứa sẽ chịu trách nhiệm về trường hợp tai nạn của anh Dũng. Thời gian đầu công ty cũng cử người đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình 31 triệu đồng để chi trả tiền thuốc men. Tuy nhiên, sau đó công ty không đá động gì tới nữa. Đến khi Phòng LĐ-TB&XH TP Biên Hòa can thiệp thì Công ty Đồng Hiệp Phát đưa thêm cho gia đình anh Dũng 40 triệu đồng. Sau lần đưa tiền này thì công ty lơ luôn và không chịu bồi thường nữa với lý do là công ty chưa ký hợp đồng lao động với anh Dũng.
Thái độ trên của Công ty Đồng Hiệp Phát buộc gia đình anh Dũng phải kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Ngày 31-3-2015, trong phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc giám đốc Công ty Đồng Hiệp Phát bồi thường cho anh Dũng hơn 460 triệu đồng. Mặc dù bản án đã có hiệu lực đã lâu nhưng đến nay Công ty Đồng Hiệp Phát không chịu bồi thường. Gia đình anh Dũng đã làm đơn đề nghị thi hành án (THA) nhưng Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa sau nhiều lần yêu cầu bổ sung giấy tờ nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.
Ngày 26-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tuân - đại diện Công ty Đồng Hiệp Phát cho biết: Sắp tới công ty sẽ gặp gia đình anh Dũng để tiếp tục thỏa thuận về số tiền bồi thường chứ không thực hiện theo phán quyết của tòa.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Hà, Chi cục phó Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa, cho biết đã nhiều lần yêu cầu Công ty Đồng Hiệp Phát THA, bồi thường tiền cho gia đình anh Dũng nhưng công ty này không thực hiện. “Hiện chúng tôi đang xác minh tài sản của Công ty Đồng Hiệp Phát để tiến hành cưỡng chế buộc công ty này phải THA” - bà Hà cho biết.
Phải thi hành án ngay theo bản án Điều 6 Luật THA dân sự quy định đương sự có quyền thỏa thuận về việc THA nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả THA theo thỏa thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về THA. Như vậy về lý thuyết thì Công tyĐồng Hiệp Phát vẫn có thể thương lượng về số tiền bồi thường với anh Dũng ở trong giai đoạn THA. Nếu hai bên thỏa thuận được thì THA ghi nhận và thi hành theo nội dung đó. Tuy nhiên, khả năng anh Dũng đồng ý giảm số tiền được bồi thường so với mức tòa tuyên là không có, vì thiệt hại từ phía anh rất lớn và đã kéo dài. Như vậy cơ quan THA cần nhanh chóng thực hiện các bước để thi hành theo đúng nội dung bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai. Nếu phía công ty không tự nguyện THA thì cơ quan THA cần áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế THA theo quy định tại Điều 71 Luật THA dân sự. Nếu đến giai đoạn này mà phía công ty vẫn cố tình chống đối việc THA thì tùy mức độ cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét khởi tố về tội không chấp hành án. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Giảng viên ĐH Luật TP.HCM (Thanh Tùng ghi) |