Nạn nhân là anh Lê Mạnh Thắng, ngụ xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh (Bình Thuận). Theo tường trình của chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Thắng, khoảng tháng 8-2009, anh đã ký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) để sang Saudi Arabia làm việc trong thời hạn ba năm. Khoảng tháng 7-2010, khi ra công trường làm việc, anh bị cần cẩu rơi trúng người và sau đó tử vong. Sáu tháng sau, Công ty AIC mới hoàn thành các thủ tục để đưa thi thể anh Thắng về nước an táng. Trong thời gian này, gia đình được công ty hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, gia đình vẫn chưa được công ty sử dụng lao động tại Saudi Arabia chi trả tiền bảo hiểm rủi ro đã ghi trong hợp đồng ký với anh Thắng. “Hơn hai năm nay, tôi đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu Công ty AIC giải quyết vụ việc nhưng năm lần bảy lượt công ty bảo phải chờ” - chị Thu than thở.
Tùy thiện chí của từng công ty sử dụng lao động tại nước sở tại mà tiến độ giải quyết bảo hiểm rủi ro sẽ dài, ngắn khác nhau. Trong ảnh: Công nhân VN đang làm việc tại Malaysia. Ảnh minh họa: CTV
Bà Nguyễn Thị Tích, Trưởng phòng Nghiệp vụ hồ sơ Công ty AIC, cho biết: “Người lao động Việt Nam khi sang các nước làm việc đều được các công ty sử dụng lao động ở nước ngoài mua bảo hiểm rủi ro. Đối với các vụ tai nạn lao động gây chết người, mức bảo hiểm này từ 100 đến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, tùy thiện chí của từng công ty sử dụng lao động tại nước sở tại mà tiến độ giải quyết sẽ dài, ngắn khác nhau. Có vụ được giải quyết trong vòng vài tháng nhưng có vụ kéo dài hàng năm trời vẫn không xong. Trong vụ tai nạn của anh Thắng, công ty đã liên hệ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia và Cục Quản lý Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Trao đổi với PV qua điện thoại, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia thông tin: “Trường hợp của anh Thắng là một trong sáu vụ tai nạn nghiêm trọng của người lao động Việt Nam tại Saudi Arabia và vụ việc đang được các cơ quan xúc tiến giải quyết”. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết thêm, ngoài việc căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng để yêu cầu công ty môi giới làm việc với công ty sử dụng lao động ngoài nước bồi thường tai nạn lao động, gia đình nạn nhân cũng có thể nộp đơn đề nghị Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước hỗ trợ thêm. Mức hỗ trợ tối đa đối với một người tử vong là 10 triệu đồng”.
PHONG ĐIỀN