Bác sĩ bị kiện vì... xin nghỉ việc

Mới đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 kiện ông Lâm Bảo Cường đòi bồi thường chi phí đào tạo khi chấm dứt hợp đồng làm việc (HĐLV). HĐXX đã sửa án sơ thẩm buộc ông Cường chỉ phải bồi thường 9 triệu đồng thay vì gần 120 triệu đồng mà án sơ thẩm đã tuyên.

Trước đó, BV Nhân dân 115 nộp đơn khởi kiện ông Cường tại TAND quận 8 và yêu cầu đòi bồi thường 240 triệu đồng như đôi bên đã từng ký cam kết.

Đòi lại cả lương, thưởng theo cam kết

Tham gia phiên tòa, đại diện BV Nhân dân 115 trình bày có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thời hạn với ông Cường làm bác sĩ khoa ngoại. Năm 2011, ông Cường được BV cử đi học chuyên khoa cấp I, thời hạn hai năm, từ tháng 10-2011 đến tháng 10-2013.

Trước khi đi học, ông Cường có ký cam kết làm việc cho BV sau khi học xong với thời gian gấp ba lần khóa đào tạo, nếu không làm đủ cam kết thì sẽ bồi thường chi phí đào tạo và bồi thường gấp ba lần các khoản thu nhập tăng thêm, trợ cấp đã nhận trong thời gian đi học theo quy chế đào tạo của BV. Chưa hết thời gian học, ông Cường lấy lý do gia đình khó khăn xin nghỉ việc.

BV yêu cầu ông Cường phải bồi thường theo thỏa thuận nhưng ông không đồng ý nên phải khởi kiện. Nay BV yêu cầu ông Cường bồi thường hơn 240 triệu đồng do ông Cường đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Trong đó, chi phí đào tạo 9 triệu đồng, bồi thường gấp ba lần các khoản thu nhập tăng thêm hằng tháng 93,6 triệu đồng (bao gồm tiền hỗ trợ đời sống, tiền thu nhập tăng thêm), bồi thường gấp ba lần tiền thưởng, lễ, tết 70,2 triệu đồng và... tiền lương khoảng 67,5 triệu đồng.

Một ca mổ của bác sĩ tại BV. (ảnh chỉ có tính chất minh họa) Ảnh: PV

Đòi các khoản thu nhập là trái quy định

Về phía ông Cường thì trình bày BV có cử ông đi học chuyên khoa, trước khi đi học do không hiểu biết pháp luật nên ông có ký cam kết với BV như phía BV đã nói. Trong thời gian đi học do vừa đi học vừa phải trực ở BV và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tháng 10-2012 ông xin nghỉ để chuyên tâm vào việc học. Khi ông Cường xin nghỉ thì BV bắt phải bồi thường cả tiền lương và bồi thường gấp ba lần tiền thưởng, lễ, tết, thu nhập tăng thêm mà ông đã nhận trong thời gian đi học.

Ông Cường không đồng ý vì ông không thuộc diện HĐLĐ mà là viên chức nên chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo 9 triệu đồng. Còn khoản tiền lương, thưởng do ông vẫn đi làm tại BV nên không đồng ý trả lại. Các khoản thu nhập khác, BV bắt phải bồi thường là trái quy định của pháp luật.

Xử sơ thẩm, TAND quận 8 chấp nhận một phần yêu cầu của BV Nhân dân 115 buộc ông Cường phải bồi thường chi phí đào tạo gần 120 triệu đồng. Ngay sau đó, cả hai bên nguyên, bị đều kháng cáo vì cho rằng bị thiệt thòi.

Bác sĩ ở bệnh viện công là viên chức

Tại phiên phúc thẩm, hai bên vẫn tranh cãi chuyện bị đơn là người lao động bình thường hay là viên chức để từ đó xác định mức bồi thường theo luật.

HĐXX nhận định BV Nhân dân 115 là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và ông Cường là một bác sĩ được tuyển dụng. Đối chiếu Nghị định 116/2003/NĐ-CP, ông Cường được xác định là viên chức. Chủ thể tham gia quan hệ ký kết hợp đồng này một bên là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và một bên là cán bộ viên chức. Và như vậy, ở đây các bên phải ký HĐLV chứ không phải là HĐLĐ. Do vậy quan hệ đào tạo này do luật viên chức điều chỉnh. Tòa sơ thẩm căn cứ vào HĐLĐ hai bên đã ký để xác định đây là quan hệ pháp luật phát sinh từ HĐLĐ là chưa chính xác nên phải điều chỉnh lại quan hệ này là bồi thường chi phí đào tạo do chấm dứt HĐLV cho phù hợp.

Về mức bồi thường, ông Cường có cam kết trong đó có điều khoản bồi thường gấp ba lần toàn bộ các khoản thu nhập tăng thêm (tiền hỗ trợ đời sống và tiền thưởng, lễ, tết… được hưởng trong suốt thời gian đi học theo quy chế đào tạo của BV). Tuy cam kết này do ông Cường tự nguyện ký nhưng được in sẵn theo quy chế của BV và không phù hợp với pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Do ông Cường là viên chức nhà nước nên phải áp dụng các quy định của luật viên chức, tức ông Cường chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.

Từ đó, tòa sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Cường, buộc ông Cường chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo của khóa học là 9 triệu đồng.

HĐLV là loại hợp đồng áp dụng cho viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập đó. Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Có hai loại HĐLV là HĐLV xác định thời hạn (từ một năm đến ba năm) và HĐLV không xác định thời hạn. Chẳng hạn phóng viên, biên tập viên làm việc ở nhiều tờ báo bằng HĐLV và họ là viên chức.

HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. HĐLĐ được áp dụng cho đơn vị tư nhân, doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước vẫn có HĐLĐ đối với một số công việc như sửa chữa, bảo trì điện, nước, lái xe, tạp vụ...

HĐLĐ có ba loại: HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn (từ một đến ba năm) và HĐLĐ theo mùa vụ (hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm