Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, anh K. làm tư vấn pháp lý tại ngân hàng, có nghề tay trái là làm đại lý bỏ mối bảo hiểm xe cơ giới đường bộ. Năm 2013, anh LVT từng lấy bảo hiểm của anh K. ra bán tại xa lộ Hà Nội, quận 2. Thời gian này, anh K. cũng đưa bảo hiểm cho hai người cháu của mình mang ra gần chỗ T. đứng bán.
Cho rằng hai người cháu anh K. lấn chiếm địa bàn của mình, ngày 27-7-2013, T. cho người đến ngăn chặn không cho bán, đồng thời thách thức đánh nhau. Không muốn gây sự, các cháu anh K. đi về, hôm sau lại ra bán tiếp. Trong lúc các cháu anh K. đang bán thì có hai thanh niên lạ mặt đến đánh rồi phóng xe bỏ chạy.
Biết cháu mình bị đánh, anh K. đến hỏi T.: “Sao cho người đánh cháu tao?”. T. không nói gì mà đánh vào mặt anh K., sự việc đã được mọi người can ngăn. Sau đó T. tiếp tục dùng cây đánh vào chân, đầu và tay anh K. Bị đánh, anh K. và hai người cháu vật T. xuống đất rồi đánh vào mặt, gây thương tích (không có kết quả giám định mà chỉ có giấy nhập viện và ra viện). Sau đó T. trình báo sự việc với Công an phường An Phú.
Về phần anh K. do bị T. đánh bị thương phải vào bệnh viện điều trị (cũng không có giám định thương tích, chỉ có giấy chứng thương của bệnh viện). Sau khi ra viện, anh K. cũng làm đơn tố cáo hành vi của T. gửi Công an phường An Phú.
Ngày 12-8-2013, Công an phường An Phú ra quyết định xử phạt hành chính anh K. vì hành vi trực tiếp xâm phạm sức khỏe người khác có tổ chức, mức phạt là 2 triệu đồng. Không chấp nhận, anh K. đã làm đơn kiện công an phường ra tòa. Xử sơ thẩm, TAND quận 2 đã bác đơn kiện. Anh K. làm đơn kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm hôm qua, TAND TP.HCM nhận định việc Công an phường An Phú ra quyết định xử phạt hành chính anh K. về hành vi có tổ chức là đúng, không oan. Theo tòa, chỉ nghi T. đã thuê người đánh cháu mình nên K. đã cùng các cháu mình tìm T. đánh trả. Tại biên bản ghi lời khai của công an có hai người làm chứng đã chứng kiến lúc K. và T. đánh nhau. Cả hai người này đều khẳng định K. là người đánh T. trước. Sau đó K. và các cháu của mình vật T. ngã xuống đất rồi đánh vào mặt. Do bị đánh nên T. mới đánh trả lại. Kết quả chẩn đoán của bệnh viện cũng cho rằng T. có vết thương ở tay và vùng mặt. Do đó, K. đánh vào mặt T. nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nạn nhân.
Việc anh K. nói mình bị T. đánh trước nhưng không cung cấp được chứng cứ, không có người làm chứng nên không được xem xét. Về hành vi của T., tòa cho rằng không cần thiết phải xử phạt hành chính. Vì T. bị đánh trước và bị K. và các cháu của anh vật xuống đất rồi mới đánh lại thì đó là hành vi phòng vệ chính đáng.