Dự thảo quy định nhiều điều mới. theo đó, việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân; nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Về chủ hụi, Bộ Tư pháp đưa ra hai phương án:
+ Một người được làm chủ hụi của một hoặc nhiều dây hụi tại cùng một thời điểm nếu tổng giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi của các dây hụi không quá 200 triệu đồng, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên các dây hụi.
+ Một người không được làm chủ quá hai dây hụi tại cùng một thời điểm, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây hụi.
Chủ hụi là người được trên 1/2 tổng số thành viên bầu.
Về hình thức thỏa thuận về dây hụi:
+ Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận này được công chứng, chứng thực nếu chủ hụi và các thành viên có yêu cầu.
Trường hợp dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận về dây hụi phải được công chứng, chứng thực.
Khi chủ hụi và các thành viên sửa đổi thỏa thuận về hụi phải tuân theo hình thức của thỏa thuận ban đầu.
Dự thảo cũng nêu về sổ hụi, hoa hồng cho chủ hụi, giấy biên nhận khi đóng, lĩnh hụi.
Đặc biệt, các thành viên, chủ hụi phải gửi thông báo cho UBND cấp xã nơi chủ hụi cư trú những thông tin cơ bản về dây hụi gồm chủ hụi, thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi, giá trị của kỳ mở hụi, tổng số thành viên trong trường hợp dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên.
Các thành viên được xem, sao chụp sổ hụi khi có yêu cầu.
Mức lãi: dự thảo nêu hai hình thức chơi hụi là có lãi và không có lãi. Nếu là hình thức chơi hụi có lãi thì mức lãi suất không quá 20%/năm.
Dự thảo cũng đưa ra các quyền, nghĩa vụ của các hụi viên, chủ hụi, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm, lừa đảo…