Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ nghị quyết của Chính phủ về triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam.
11 dự án thành phần
Theo tờ trình của Bộ GTVT, cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có ba dự án đầu tư công, tám dự án đầu tư theo hình thức PPP. Dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Bình Thuận) có chiều dài lớn nhất 106 km với tổng. mức đầu tư hơn 19.640 tỉ đồng. tiếp đến là Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) có chiều dài 102 km với mức đầu tư 7.900 tỉ đồng. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 (vượt sông Tiền nối Tiền Giang và Vĩnh Long, nằm trên tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ) và đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài ngắn nhất 7 km với tổng mức đầu tư hơn 5.100 tỉ đồng...
Đối với dự án Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Bộ GTVT kiến nghị sử dụng vốn dư của dự án để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bổ sung theo quy mô quy hoạch của cả dự án. “Bên cạnh đó, phần vốn trái phiếu chính phủ 1.612 tỉ đồng (đã được Quốc hội (QH) thông qua bổ sung cho dự án) được sử dụng để đầu tư các hạng mục còn lại của dự án…” - Bộ GTVT thông tin.
Đối với dự án Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng nai), Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất của dự án. Đồng thời trình hai phương án sau để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cụ thể, phương án 1, Công ty Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco. Phương án 2, Công ty Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho dự án.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, giám sát việc thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Ảnh: NL
Theo tờ trình, giai đoạn 1 của dự án (2017-2020) sẽ triển khai đầu tư ba đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư hơn 118.700 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 55.000 tỉ đồng và vốn nhà đầu tư hơn 63.700 tỉ đồng. |
Liên quan đến góp vốn, Bộ GTVT cho rằng để tăng tính khả thi trong huy động nguồn vốn theo yêu cầu của các ngân hàng, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, bộ này kiến nghị tăng vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án với tỉ lệ 25% tổng vốn đầu tư (trước đây là 10%-15%).
Đối với trường hợp chỉ có một nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT cho biết sẽ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.
Đặc biệt, đối với nhà đầu tư không thu xếp được nguồn vốn tín dụng, làm chậm tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung quy định “Hợp đồng dự án sẽ hết hiệu lực nếu sau ba tháng nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án”. Trong trường hợp này, Bộ GTVT sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.
Xóa tình trạng “tay không bắt giặc” Theo Bộ GTVT, để đảm bảo tính minh bạch và quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư, đặc biệt là phần vốn đầu tư của Nhà nước, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận nguyên tắc, nội dung chi và quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể, Nhà nước sẽ chi phí cho công tác tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn giao dịch, tư vấn kiểm định chất lượng trong quá trình thi công của cơ quan nhà nước. Ngoài ra còn có chi phí của ban quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và các chi phí khác thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi về tài chính… |