'Không chia sẻ được dữ liệu thì khó bước vào kỷ nguyên vươn mình'

(PLO)- Ths Bùi Hồng Sơn, chuyên gia Ngân hàng thế giới, cho biết dữ liệu rất đa dạng, quý báu nhưng không chia sẻ mà cứ giữ trong két thì khó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Chiều 17-1, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND TP.HCM thực hiện Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HÀ THƯ

Tại hội thảo, các chuyên gia đã góp nhiều ý kiến để tạo đột phá cho công tác chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ cho TP.HCM.

Dữ liệu còn để trong két

PGS.TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng chuyển đổi số được triển khai rất rộng, đa dạng nhưng còn nhiều vấn đề bất cập.

Theo PGS Phương, nếu đóng vai trò người dân đi thực hiện dịch vụ công sẽ thấy những bất cập nhiều hơn thời điểm còn làm thủ tục bằng giấy.

PGS.TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM góp ý về chuyển đổi số. Ảnh: L.THOA

“Tôi là người làm công nghệ thông tin từ lâu nhưng khi thực hiện số hóa tôi cũng làm sai hết, vậy thì người dân nào giờ chưa tiếp cận với chuyển đổi số thì sao làm được. Chưa kể, chuyển đổi số cũng bị hành chính quá, nghĩa là tất cả thông tin chúng ta điền bằng số hóa không đủ mà phải scan lại bản đó, ký tay lên, vậy thì còn gì là số nữa mà là hành chính hóa dịch vụ công rồi”– PGS Phương nói.

Ông đề nghị TP.HCM nên lập tổ công tác đánh giá từng loại dịch vụ công và phân loại lại quy trình, trong đó để người dân tham gia đánh giá.

“Cái nào số thì số luôn, chứ số mà còn scan, ký tay, thậm chí còn đề nghị trích lục tới hai lần, tốn quá nhiều thời gian. Chúng ta nói chuyển đổi số rất mạnh nhưng đi vào thực tế lại hành chính hóa chuyển đổi số như vậy sao có thể phát triển được”- PGS.TS Nguyễn Văn Phương nói và đề nghị sớm xử lý bất cập này.

Về vấn đề chia sẻ dữ liệu, Ths Bùi Hồng Sơn, chuyên gia Ngân hàng thế giới, cho biết dữ liệu rất đa dạng, kể cả đến từ vệ tinh, không ảnh, radar… nhưng các cơ quan chức năng lại để trong két mà không sử dụng, chia sẻ.

Ths Bùi Hồng Sơn, chuyên gia Ngân hàng thế giới cho rằng không chia sẻ được dữ liệu thì khó bước vào kỷ nguyên vươn mình. Ảnh: L.THOA

“Chúng ta bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng không phát huy được nguồn dữ liệu này”– ông Sơn nói và cho rằng nếu không có dữ liệu thì sẽ khó phát huy trí tuệ nhân tạo trong quản lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Sơn, việc chia sẻ dữ liệu hiện nay chủ yếu phục vụ cho thủ tục hành chính nhưng dữ liệu chuyên ngành có nhiều lại không được chia sẻ thì khó bước vào kỷ nguyên vươn mình. “Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói trong kỷ nguyên vươn mình thì phải chuyển đổi số làm sao để tạo ra phương thức mới, phục vụ cho việc tinh gọn bộ máy mà nếu không chia sẻ được dữ liệu thì rất khó”– ông Sơn nói.

Ths Bùi Hồng Sơn cũng dẫn chứng ngay trong việc cấp phép xây dựng, ngoài dữ liệu của ngành xây dựng thì còn liên quan đến ba ngành khác. Cụ thể liên quan đến quy hoạch để xem việc cấp phép có đúng quy hoạch không; liên quan đến địa chính để xem hồ sơ đất đai có đúng pháp lý không và liên quan đến phòng cháy chữa cháy.

Ths Sơn cũng đánh giá việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chỉ mới dừng lại ở việc “làm bằng tay trên máy tính”…

Thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học

TS Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết có nhiều nhà khoa học từ nước ngoài về Việt Nam muốn tham gia nghiên cứu khoa học nhưng thủ tục hành chính còn khó khăn.

Thời gian để nhà khoa học xin hồ sơ xét duyệt ý tưởng tốn 1-2 năm mới hoàn thiện xét duyệt quy trình. Trong khi với 1-2 năm đó thì ý tưởng đã có thể lỗi thời rồi. Từ đó, TS Tùng đề nghị rút ngắn quy trình này.

Cũng theo TS Tùng, ở các trường đại học, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố nhưng chưa có bộ phận nào để khai thác các công trình nghiên cứu đó. Nhà khoa học lại không có thời gian để làm thủ tục hành chính, thương mại hóa sản phẩm.

Ông đề xuất các trung tâm đổi mới sáng tạo nên trao đổi với các nhà khoa học để nhận chuyển giao công trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa, khai thác giá trị tri thức của công trình đó, đóng góp vào sự phát triển của TP.

Ông Võ Văn Khang, Chi hội An toàn thông tin phía Nam. Ảnh: L.THOA

Còn ông Võ Văn Khang, Chi hội An toàn thông tin phía Nam, cho rằng TP.HCM mạnh về thể chế và có nhiều tiền. Do vậy, nên tạo cơ chế để chi được nhiều tiền hơn cho nghiên cứu khoa học, tập trung nguồn lực. Hơn nữa, TP cần thông thoáng trong thanh quyết toán cho các nhà khoa học.

Khẩn trương, quyết liệt để triển khai Nghị quyết 57

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là động lực mới cho chiến lược phát triển quốc gia trong thời gian tới. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai, quán triệt Nghị quyết này, cho thấy tầm quan trọng của nghị quyết đối với quốc gia.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng. Ảnh: HÀ THƯ

Đặc biệt, đối với TP.HCM, Nghị quyết 57 càng mang tính quan trọng vì TP.HCM và Hà Nội là hai địa bàn chiến lược.

Ông Thắng cho biết lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải quyết liệt tham mưu để triển khai nghị quyết này, không để chậm trễ.

“Tinh thần là khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt cho việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, để TP.HCM phát triển, đột phá như nghị quyết đã định hướng” - Giám đốc Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Lâm Đình Thắng các lĩnh vực của Nghị quyết 57 rất lớn, do đó TP.HCM cần tập trung cho những lĩnh vực chiến lược gì mang tính chất là lợi thế của TP.HCM để tạo ra kết quả nhanh, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội. Đồng thời, huy động tất cả các nguồn lực xã hội cùng tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ…

***

Theo dự thảo chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM, đến năm 2045, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao khu vực Đông Nam Á với hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo bền vững. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đưa TP.HCM phát triển, là địa phương có thu nhập cao của cả nước.

TP.HCM cũng phấn đấu có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tiệm cận nhóm 50 đô thị dẫn đầu thế giới vào năm 2045. Chính quyền số của địa phương được triển khai toàn diện, vận hành hiệu quả, minh bạch.

Trước đó, đến năm 2030, kinh phí cho cho nghiên cứu phát triển (R&D) là 2% GRDP, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới