'Không có BHYT gia đình tôi đã ra đường ở'

Sau một thời gian làm việc cho một cơ quan nhà nước, chị Nguyễn Thị Lan, 43 tuổi, ngụ thôn Ngọc Khám, Gia Đông, Thuận Thành (Bắc Ninh), xin nghỉ việc để mở một spa làm đẹp. Khách đông, chị bị cuốn vào công việc mà quên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Một năm sau, chị Lan xem trên các trang mạng về những cảnh đời thoát nghèo nhờ BHYT chị mới sực nhớ và nhanh chóng đăng ký BHYT theo hộ gia đình. Vừa nhận thẻ BHYT, chị đi khám phát hiện ra căn bệnh bạch cầu. Chi phí khám lên đến vài trăm triệu và phải điều trị dài ngày.

Chị Nguyễn Thị Lan được quỹ BHYT chi trả mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Ảnh: VIẾT LONG

“Khi nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh và chi phí dự tính, tôi thầm nghĩ sẽ không dám quay lại bệnh viện. Nhưng sau đó bác sĩ nói nếu có thẻ BHYT được chi trả 80% chi phí khám, chữa bệnh. Nghe vậy tôi mới trấn tĩnh lại và biết thẻ BHYT đã cứu mình…” - chị Lan nhớ lại.

Tự tin với “bùa hộ mệnh” trong tay, một tháng/lần chị đến Bệnh viện Huyết học và truyền máu trung ương chữa trị. Năm 2018, chi phí khám, chữa bệnh của chị lên đến gần 140 triệu đồng nhưng chị chỉ chi trả 20% trong khoản này. “Nếu không có thẻ BHYT mà đi chữa bệnh này chắc phải bán nhà ra đường ở em ạ…” - chị Lan nói.

Thẻ BHYT không chỉ giúp chị mà còn giúp chồng chị không tốn tiền khi điều trị căn bệnh tiểu đường. “Vì vậy tôi cho rằng chính sách BHYT là hữu ích giúp những người dân mắc bệnh hiểm nghèo không phải ngồi chờ chết” - chị Lan bày tỏ.

Thêm một trường hợp khác được cứu sống, thoát khỏi nợ nần từ BHYT là bà Nguyễn Thị Mầu, 65 tuổi ở xã Xuân Lâm, Thuận Thành (Bắc Ninh). Năm 2018, bà Mầu phát hiện mình mắc bệnh tim cần phải phẫu thuật.

Bà Nguyễn Thị Mầu bật khóc khi nói về giá trị của tấm thẻ BHYT đối với bản thân. Ảnh: VIẾT LONG

Là hộ cận nghèo, nên khi nghe về số tiền phẫu thuật bà Mầu từ chối. Nhưng khi biết được tấm thẻ BHYT do nhà nước cấp sẽ chi trả gần như toàn bộ số tiền trên, bà mới chấp nhận chữa bệnh.

“Ca phẫu thuật thay van tim hai lá tại bệnh viện Bạch Mai lên đến 115 triệu đồng, nhưng BHYT như một tấm “bùa hộ mệnh” giúp tôi giảm tới 95% tổng chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt, mỗi tháng tôi còn được nhà nước cho 30.000 đồng. Tôi không biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn tới nhà nước đến cơ quan bảo hiểm đã cấp phát BHYT cho những gia đình nghèo như tôi. Nếu không chúng tôi phải đứng trước cảnh còn mạng sống thì sạch tài sản và còn tài sản thì tôi sớm về với đất…”, bà Mầu tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết ngoài các trường hợp trên, huyện Thuận Thành còn hàng trăm trường hợp khác thoát nghèo nhờ thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, điểm mới của Luật BHYT sửa đổi từ đầu năm 2015 bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

"BHYt giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Những điểm mới này đã giúp người nghèo được tiếp cận gần hơn với BHYT”, ông Thanh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm