Chiều 5-4, Bộ Tài chính tổ chức họp báo Quý 1-2019. PLO.VN đặt vấn đề về việc chậm ra đời Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán các dự án hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Bởi lẽ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ 1-1-2018. Lẽ ra, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi trình luật thì phải có các văn bản dưới luật kèm theo.
Ông La Văn Thịnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng, ban hành nghị định này là một trong các đề án được Thủ tướng Chính phủ công bố trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Từ tháng 10-2017, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định này.
Trả lời câu hỏi của PLO.VN ông La Văn Thịnh cho rằng: không có chuyện doanh nghiệp "cản" nghị định về BT.
Ông Thịnh khẳng định: “Việc soạn thảo xây dựng nghị định này thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư có tham gia và hợp đồng đầu tư theo hình thức BT. Dự thảo đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến nhiều lần, với nhiều nội dung và ban soạn thảo đã trăn trở để đảm bảo khung pháp luật được khả thi, phù hợp trong thực hiện”.
Tuy vậy, vẫn theo ông Thịnh, trước khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, thì các hình thức như BT, BOT… vẫn chưa có khái niệm và nội hàm rõ ràng. Bởi vậy, phương thức BT được các địa phương vận dụng khác nhau do cách hiểu khác nhau.
Mặt khác, cần phải có thời gian chuyển tiếp để xử lý các hợp đồng BT trước đó. Đây cũng là lý do khiến cuối tháng 12-2018, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết 160 về vấn đề này. Nội dung chủ yếu của Nghị quyết 160 là phải rà soát các hợp đồng BT trong quá khứ để xem xét và có cơ sở xử lý các vướng mắc.
Tinh thần của việc rà soát lại các hợp đồng BT, là để xác định giá trị tài sản công đảm bảo sát giá thị trường, nhằm tránh thất thoát cho Nhà nước. “Việc rà soát của các địa phương là rất khẩn trương và rất thận trọng nhằm hài hòa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho hay, ngày 13-3, Bộ Tài chính đã hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trình Chính phủ và khả năng trong thời gian ngắn, Chính phủ sẽ ban hành nghị định này.
PLO.VN đặt tiếp câu hỏi về việc liệu có lực cản nào từ phía doanh nghiệp để Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán các hợp đồng BT chậm được ban hành hay không. Ông Thịnh nói rằng: “Trong quá trình thực hiện dự thảo, ban soạn thảo đã lắng nghe và rất cầu thị thông tin từ nhiều phía, nhưng không có chuyện có lực cản từ phía doanh nghiệp”.