Sáng 10-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội đồng tình với việc cần thiết đầu tư hai dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM. Bởi việc này sẽ giúp giải toả áp lực về giao thông, tạo thêm không gian mới phát triển cho cả hai TP lớn cũng như cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. “Không có lý do gì để trì hoãn các dự án này nữa cả” - ĐB Cường nói.
Ông cho hay, đây là những tuyến đường vành đai, do đó khi xây dựng xong sẽ hình thành lên các đô thị, trung tâm phân phối, là nguồn lực phát triển cho các vùng.
“Chỉ mới nghe QH thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn” - ông nói.
ĐBQH Hoàng Văn Cường. |
Theo ông nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng hai tuyến đường vành đai sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường.
ĐB Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường. Cơ chế này thực hiện theo hướng quy hoạch vùng lân cận hai bên đường thành các các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực).
Việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và các công cụ định giá xác định giá trị thị trường.
“Cơ chế này được áp dụng, sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại; nhà nước không phải đầu tư ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hay đường gom, mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách” - ĐB Cường nói.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. |
Về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM cho rằng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước về khai thác quỹ đất hai bên đường.
Theo ông, nếu việc khai thác quỹ đất hai bên cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư.
“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại” - ông cho hay.