Giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 TP.HCM 1 lần sẽ rẻ và hiệu quả hơn nhiều

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định việc thực hiện giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 một lần xét về lâu dài sẽ rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 6-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM. Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có bài phát biểu làm rõ rất nhiều nội dung liên quan dự án đường vành đai 3.

Nếu làm sớm giải phóng mặt bằng sẽ rẻ

“Quy hoạch vành đai 3 từ năm 2011, đến nay đã là 11 năm. Nếu chúng ta triển khai ngay sau khi có quy hoạch, cái gì không biết chứ chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) giảm 1/10 so với bây giờ” - ông Mãi mở đầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay bản quy hoạch đường vành đai 3 từ 2011 đã xác định tuyến đường có phần đường chính quy mô 6-8 làn xe và đường song hành 2-3 làn xe. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực, dự án chưa triển khai được. Sau đó, Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu dự án. Đến tháng 7-2021, Chính phủ quyết định giao TP.HCM làm đầu mối tiếp nhận các nghiên cứu trước đó của Bộ GTVT và tư vấn để nghiên cứu.

Ông Mãi cũng cho hay, phương án ban đầu nghiên cứu làm vành đai 3 theo phương thức PPP, tuy nhiên không khả thi.

“Lý do, đóng góp của ngân sách nhà nước trong các phương án PPP phải đến 82%, vượt quy định của pháp luật là vốn ngân sách trong các dự án PPP không quá 50%. Ngay khi vốn ngân sách tham gia tới 82% thì thời gian thu hồi vốn là 28 năm. Thời gian này quá dài và không hấp dẫn các nhà đầu tư” - ông nói và cho biết sau đó TP đã báo cáo và Chính phủ quyết định trình QH đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại tổ ĐBQH TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại tổ ĐBQH TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định dự án đường Vành đai 3 đã rất cấp thiết đối với TP.HCM và các tỉnh liên quan. Nó giúp giải toả các điểm nghẽn giao thông hiện nay, đồng thời mở ra tuyến giao thông chiến lược cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Khi tuyến đường hoàn thiện sẽ là hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của bốn tỉnh, mà tác động lan toả của nó là cả khu vực phía Nam” - ông Mãi khẳng định.

Giải phóng mặt bằng một lần "khoẻ suốt đời"

Trước ý kiến băn khoăn “4 làn xe (giai đoạn 1) thì GPMB 4 làn thôi, giải phóng nhiều làm chi?”, Chủ tịch UBND TP.HCM lý giải nếu “không GPMB theo quy mô hoàn thiện” thì tới lúc mở ra 6-8 làn xe sẽ rất khó khăn, chi phí GPMB rất lớn, thời gian kéo dài.

“Việc GPMB một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là việc cần thiết, mặc dù lúc này có phát sinh thêm chi phí GPMB nhưng tính trong tổng thể sẽ rất rẻ, rất hiệu quả” - ông nhấn mạnh.

Ông Mãi cũng cho hay tổng mức của đầu tư dự án đã được “rà soát rất kỹ” từ mức dự kiến trên 85.000 tỉ đồng, nay rà soát xuống gần 10.000 tỉ đồng. “Khi hoàn thiện dự án khả thi chúng ta tiếp tục rà nữa” - ông nói.

Ông cho hay các địa phương cũng đã có phương án cân đối nguồn vốn để triển khai dự án đường vành đai 3. “Nếu thời gian thực hiện dự án, tổng mức đầu tư tăng thì phần đó do ngân sách địa phương chịu. Chúng tôi đã trao đổi với các địa phương, thống nhất cố gắng không để tăng tổng mức. Trường hợp buộc phải tăng tổng mức thì địa phương tính toán cân đối” - ông cho hay.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, một trong những nội dung khiến đại biểu (ĐB) QH rất băn khoăn là công tác GPMB. Trong đó, phải làm sao để bà con đồng thuận, làm sao ổn định chỗ ở, chuyển đổi nghề, ổn định sinh kế, bồi thường tương đối cho người dân…

“Những nội dung này, TP.HCM đã có kế hoạch. Nếu được QH thông qua chủ trương đầu tư, TP.HCM sẽ cùng các địa phương tổ chức hội nghị ngay để triển khai kế hoạch rất chi tiết này” - Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Tổ ĐBQH TP.HCM thảo luận về các dự án cao tốc sáng 6-6.

Tổ ĐBQH TP.HCM thảo luận về các dự án cao tốc sáng 6-6.

Ông Mãi cũng cho biết để GPMB nhanh, TP.HCM đang rà soát quỹ nhà tái định cư đang có để tiến hành tạm cư, trong thời gian giải quyết chính sách tái định cư cho người dân. Đồng thời, chính sách bồi thường, có thể gồm cả việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế, tinh thần là chỗ ở mới phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Sinh kế, nghề nghiệp phải bảo đảm cho cuộc sống của bà con được ổn định.

“Trong kế hoạch bồi thường, GPMB, TP đang tính việc này và sẽ có hội nghị triển khai kế hoạch này” - ông cho hay.

Về công tác tổ chức thực hiện, ông Mãi cho hay, sau khi QH thông qua chủ trương, TP cùng các địa phương sẽ đề xuất, tham mưu Chính phủ ban hành một nghị quyết triển khai thực hiện dự án. Trong đó quy định rõ những công việc phải làm, trách nhiệm, tiến độ... là căn cứ để thực hiện

TP đề xuất thành lập Ban chỉ đạo dự án, Văn phòng thực hiện dự án, thành lập Hội đồng cố vấn kỹ thuật gồm các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn.

Đề nghị chỉ định thầu

Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị các ĐBQH cân nhắc với đề nghị như tờ trình của Chính phủ.

“Với các gói thầu được chỉ định thầu, tờ trình đề nghị áp dụng trong toàn bộ thời gian dự án. Tuy nhiên, UBKT đề nghị chỉ thực hiện 2 năm kể từ khi có nghị quyết. Đây cũng không phải vấn đề lớn, 2 năm thì chúng ta cố gắng thực hiện trong 2 năm, nhưng vì lý do gì đó vượt ra khỏi thời gian đó, chúng ta phải trình lại QH, thủ tục rất khó khăn” - ông Mãi nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm