Hôm ấy, mở đầu buổi học về quyền sở hữu trí tuệ, thầy giáo hỏi các anh chị đã có tài liệu về môn học này chưa. Gần như cả lớp đồng thanh nói chưa. Thầy đưa xuống cho SV chúng tôi chừng dăm ba cuốn tài liệu do thầy soạn thảo (lúc đó môn học này chưa có giáo trình chính thức) để chuyền tay nhau xem. Đập vào mắt tôi là câu “Tiến sĩ X giữ bản quyền” được in ở trang 1 cuốn tài liệu (X là tên của thầy).
Chờ cho các SV bớt lao xao, thầy nói: “Một ví dụ sinh động nhất của quyền sở hữu trí tuệ bị xâm hại là các em không mua giáo trình mà cứ đi phôtô rồi xài…”. Nói là vậy nhưng cuối buổi học thầy vẫn đưa tài liệu cho SV đi phôtô để học.
Những ý niệm đầu tiên về quyền sở hữu trí tuệ mà chúng tôi lĩnh hội được là từ ví dụ cụ thể và dễ hiểu của thầy. Thầy biết, chúng tôi biết phôtô giáo trình để “xài chùa” là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng thầy thương chúng tôi nghèo mà du di, mà vừa đưa ra ví dụ về vi phạm xong đã đồng lõa để cho SV chúng tôi vi phạm!
Từ đó đến nay đã 20 năm, SV trường luật bây giờ có thể vẫn còn nhiều em khó khăn nhưng trường luật giờ không chấp nhận SV phôtô giáo trình để “xài chùa” nữa.
2. Trở lại với câu chuyện cô SV ĐH Luật TP.HCM vừa bị kỷ luật vì phôtô giáo trình. Căn cứ vào sự việc, có thể nói ngay cô SV này đã vi phạm nội quy trường học nên mới bị xem xét chế tài.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng mức kỷ luật đình chỉ học một năm là quá nặng. Nhiều người cho rằng chuyện SV phôtô giáo trình, tài liệu để học tập diễn ra hà rầm, bởi phần lớn SV đều khó khăn, lấy đâu ra tiền để mua giáo trình… Đó là chưa nói căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật em SV này cũng còn có điều đáng bàn.
Trường luật là nơi đào tạo ra những người hành nghề luật tương lai. Một trong những đức tính đầu tiên của người hành nghề luật là phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Có lẽ vì vậy mà nhà trường mới quy định SV không được “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập” nhằm giáo dục, rèn cho SV ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi còn ngồi giảng đường. Đó cũng chính là một trong những hành trang quan trọng của SV trường luật.
Tuy vậy, bên cạnh sự nghiêm minh, pháp luật còn có khoan hồng. Huống chi đây chỉ là vi phạm lần đầu, nhà trường hoàn toàn có thể xử lý cách khác để tạo điều kiện cho em SV tiếp tục theo học mà không phải gián đoạn mất một năm. Cách hành xử khoan hồng này xét cho cùng cũng là hành trang quan trọng cho những người hành nghề luật sau này…