Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, nhiều tiểu thương ở chợ huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết họ vừa phát hiện từng bị phạt hành chính sai. Theo đó đội trưởng quản lý thị trường (QLTT) số 6 huyện Thới Bình là ông Nguyễn Huế đã ký hàng loạt quyết định (QĐ) xử phạt hành chính trong tình trạng đã hết chức vụ.
Hợp thức hóa bằng cách ký lùi ngày
Một tiểu thương trình bày vào tháng 1-2018, ông Nguyễn Huế ký nhiều QĐ phạt hành chính với tư cách đội trưởng QLTT số 6, huyện Thới Bình. Cụ thể, từ ngày 18 đến 22-1-2018, ông Huế ký 14 QĐ xử phạt tiểu thương tại chợ huyện Thới Bình với số tiền phạt gần 60 triệu đồng, trong đó người bị phạt cao nhất hơn 8 triệu đồng. Các trường hợp tiểu thương bị phạt là do có hành vi hàng hóa có nhãn mác nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Một tiểu thương từng bị phạt trên 6 triệu đồng nói: “Khi bị phạt chúng tôi không biết ông Huế có còn chức vụ quản lý hay không. Thời gian gần đây nghe thông tin đồn đại rằng lúc phạt ông Huế không còn thẩm quyền xử phạt nữa. Khi tìm hiểu thì chúng tôi biết rằng tháng 1-2018 ông Huế không còn chức đội trưởng QLTT số 6 nữa, như vậy là đã phạt sai với tất cả tiểu thương chúng tôi”.
Để tìm hiểu rõ thông tin, PV đã liên hệ với lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Cà Mau. Ông Huỳnh Vũ Phong, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, xác nhận có việc quên bổ nhiệm lại chức vụ đội trưởng cho ông Nguyễn Huế. Cụ thể theo nhiệm kỳ thì đến ngày 4-1-2018 là hết thời gian bổ nhiệm chức vụ đội trưởng QLTT số 6 đối với ông Huế. Nhưng đến tháng 4-2018, ông Phong mới ký QĐ kéo dài thời gian làm đội trưởng QLTT số 6 cho ông Huế. trong QĐ có đề rõ thời gian kéo dài chức vụ cho ông Huế là từ ngày 4-1-2018 cho đến lúc nghỉ hưu.
Ông Phong thừa nhận việc QĐ ký vào tháng 4-2018 nhưng lại tính thời gian kéo dài chức vụ cho ông Huế từ tháng 1-2018 là chưa đúng về nguyên tắc ban hành QĐ bổ nhiệm cán bộ. Nhưng ông Phong cho rằng ông có xin ý kiến và được sự đồng ý của Sở Công Thương và Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau.
Ông Phong cũng giải thích rõ nguyên nhân của việc quên bổ nhiệm lại. Ông Phong nói: “Do cán bộ ở các bộ phận nhân sự quên việc ông Huế hết thời gian bổ nhiệm nên mới có sự vụ này. Chúng tôi đã báo cáo rõ với cấp trên. Về phía trách nhiệm để xảy ra việc này, chúng tôi cũng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc những cán bộ, bộ phận liên quan”.
Cũng theo ông Phong, với thời gian ghi trên QĐ như vậy thì xem như ông Huế được kéo dài thời gian giữ chức vụ từ tháng 1-2018, tức là có sự nối tiếp đúng chứ không bị gián đoạn.
Khu chợ có hơn chục tiểu thương bị ông Huế phạt khi không còn chức đội trưởng. Ảnh: TRẦN VŨ
Phạt không đúng thì phải hoàn lại tiền
TS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Luật hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng từ ngày 18 đến 22-1-2018, ông Huế đã ký 14 QĐ xử phạt khi ông không còn chức đội trưởng QLTT số 6 nên việc xử phạt đương nhiên không đúng thẩm quyền. QĐ bổ nhiệm chức vụ đội trưởng cho ông Huế là một QĐ cá biệt và có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định (thường là năm năm). Khi hết thời gian này thì phải tiến hành bổ nhiệm lại, nếu không thì đương nhiên không còn chức vụ và không có thẩm quyền xử phạt.
Tiểu thương đòi trả lại tiền Các tiểu thương ở chợ Thới Bình từng bị phạt cho rằng việc ông Huế không còn chức vụ mà ký QĐ xử phạt họ với tư cách đội trưởng QLTT là sai. Các tiểu thương mong muốn được trả lại số tiền bị xử phạt. |
Đến tháng 4-2018, ông Huế mới có QĐ kéo dài chức vụ nhưng trong QĐ ghi thời gian kéo dài là từ ngày 4-1-2018 cho đến lúc nghỉ hưu. Về nguyên tắc, QĐ này phải được thực hiện trước ngày QĐ bổ nhiệm chức vụ đội trưởng QLTT số 6 hết hiệu lực. Đây là hợp thức hóa sau khi “quên” bổ nhiệm lại nên nó không hợp pháp, không đúng nguyên tắc ban hành văn bản pháp luật và không tuân thủ các quy định về hiệu lực của văn bản.
Theo TS Minh, một QĐ được ký vào tháng 4-2018 thì chỉ phát sinh hiệu lực từ ngày ký trở đi chứ không thể tự tiện xác định nó có hiệu lực trước đó ba tháng. Nói cách khác, QĐ này không thể trở thành “cửa thoát hiểm” cho ông Huế trong việc xử phạt các tiểu thương vào tháng 1-2018 (thời điểm mà ông Huế không còn chức vụ).
TS Minh nói: “Các QĐ xử phạt tiểu thương được ban hành không đúng thẩm quyền nên phải bị hủy bỏ toàn bộ nội dung trong QĐ. Căn cứ pháp lý là Điều 6b Nghị định số 81/2013 của Chính phủ (biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017 của Chính phủ). Khi QĐ xử phạt bị hủy bỏ toàn bộ nội dung thì phải hoàn trả tiền đã nộp phạt cho các tiểu thương”.
Đã hết thời hiệu xử phạt lại Trong vụ này, nếu có căn cứ để ban hành QĐ mới để xử phạt vi phạm hành chính thì người đã ban hành phải ban hành QĐ mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành QĐ mới. Tuy nhiên, việc ban hành QĐ mới cũng phải tuân thủ thời hạn ra QĐ xử phạt vi phạm hành chính là bảy ngày (hoặc 30 ngày đối với vụ việc nhiều tình tiết phức tạp) kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt tiểu thương tại chợ huyện Thới Bình đã diễn ra vào tháng 1-2018, tức là biên bản vi phạm hành chính đã được lập trước đó nên không còn thời hạn ban hành QĐ mới. Nếu ban hành QĐ mới thì người có thẩm quyền chỉ có thể ra QĐ tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chứ không thể phạt tiền các tiểu thương. TS CAO VŨ MINH |