Không đặc xá với người bị kết án tử hình

Sáng 7-11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được đặc xá gồm cả người bị kết án tử hình mà sau đó đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân.

Bà Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Đặc xá.

Bà Lê Thị Nga cho biết UBTVQH nhận thấy việc không quy định đặc xá với người bị kết án tử hình vì theo quy định của BLHS thì đây là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Sau khi bị kết án tử hình, thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình cho họ và chuyển xuống hình phạt tù chung thân. Theo quy định, nếu cải tạo tốt, người này tiếp tục nhận được các chính sách khoan hồng khác như: được giảm xuống tù có thời hạn, được tiếp tục giảm án và có thể chỉ phải chấp hành 20 năm tù.

Nếu dự thảo luật quy định đặc xá với người bị kết án tử hình thì đối tượng này được hưởng quá nhiều chính sách khoan hồng của Nhà nước và sẽ không bảo đảm tính răn đe với đối tượng nguy hiểm này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người bị kết án tử hình.

Đối với nhiều ý kiến đại biểu đề nghị phải thi hành xong tiền phạt và án phí mới được xét đặc xá. Đồng thời đề nghị không quy định Chủ tịch nước xem xét miễn chấp hành hình phạt tiền, án phí.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành, chỉ bắt buộc thực hiện với người phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Theo bà Lê Thị Nga, UBTVQH nhận thấy Luật Đặc xá hiện hành quy định điều kiện, phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền và án phí nhưng chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Dự thảo luật của Chính phủ trình quy định theo hướng phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền và án phí là điều kiện bắt buộc với mọi loại tội phạm. Quy định này một mặt tiếp tục kế thừa luật hiện hành, mặt khác tăng cường trách nhiệm, sự tự giác của người bị kết án phải chấp hành nghiêm nghĩa vụ thi hành các khoản tiền phạt và án phí đã tuyên trong bản án.

Tuy nhiên, quy định này lại chưa bao quát hết trường hợp được tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí theo quy định của BLHS và Luật Thi hành án dân sự.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐB và để bảo đảm đồng bộ với các quy định khác của hệ thống pháp luật, UBTVQH đề nghị chỉnh lý điểm c khoản 1 Điều 11 của dự thảo luật như sau: “Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí hoặc có quyết định của tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí” - bà Nga thông tin.

Hiện các đại biểu đang cho ý kiến tại hội trường Quốc hội về các vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm