Không để nông sản miền Tây 'tự bơi' giữa làn sóng COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, nhiều địa phương tại khu vực miền Tây thực hiện giãn cách xã hội khiến nông sản đang vào vụ nhưng việc thu hoạch, tiêu thụ gặp khó khăn. Các địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho nông sản.

Mùa “trái đắng” của nhà vườn

Nhà vườn trồng nhãn xuồng cơm vàng ở xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại và cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách, Bến Tre đang đứng ngồi không yên. Nhãn vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá bán rớt thê thảm. Có nơi giá nhãn xuồng cơm vàng giảm chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg vẫn không có người mua, trong khi đầu vụ 35.000-40.000 đồng/kg. Nhà vườn lo lắng thành quả lao động, vốn liếng đầu tư cho vụ nhãn năm nay có nguy cơ mất trắng.

Nhãn tại các tỉnh miền Tây đang bước vào thời kỳ thu hoạch nhưng tiêu thụ khó khăn. Ảnh: NHÓM PV

Ông Nguyễn Văn Tiếp, nông dân ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình, nói nhiều năm nay gia đình ông sống nương dựa vào 1.000 m2 đất trồng nhãn, mỗi năm thu huê lợi khoảng 30-40 triệu đồng. “Vụ nhãn năm nay được mùa, trái chín đầy vườn nhưng lác đác vài thương lái tới mua. Họ mua với giá rất thấp, chỉ 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, bán 1 tấn nhãn xong, tôi thu chưa được một nửa chi phí phân, thuốc… đã bỏ ra chăm sóc” - ông Tiếp buồn bã.

Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ thông tin toàn xã có khoảng 208 ha nhãn đang vào vụ thu hoạch, sản lượng ước đạt 7-8 tấn/ha. “Giá nhãn giảm sâu, song nông dân vẫn khó tiêu thụ vì không có thương lái đến mua khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng để tìm đầu mối giải cứu trái nhãn” - ông Thọ thông tin.

Tại Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), có gần 3.360 ha trồng cây ăn trái. Hiện nhiều loại trái cây của bà con trong nông trường đang và sắp vào mùa thu hoạch. Có điều do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 5 đến nay khiến giá trái cây xuống thấp kỷ lục, người dân điêu đứng. Đặc biệt thời gian gần đây thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Giám đốc Nông trường Sông Hậu Nguyễn Thanh Phú thông tin thêm, hiện nay khoảng 200 ha nhãn của nông trường đang vào mùa thu hoạch với sản lượng khoảng 1.600 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá nhãn xuống thấp và không có thương lái thu mua, nông dân thiệt hại khoảng 80%-90%. Ngoài ra, nông trường còn tồn số lượng lớn chuối xuất khẩu không tiêu thụ, mỗi ngày có 5 tấn chuối chín rục bỏ ngoài vườn.

Nông trường Sông Hậu đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sữa bò, thậm chí có thời điểm phải đổ bỏ. Ảnh: NHÓM PV

Mỗi nơi làm mỗi kiểu gây ách tắc nông sản

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân nhìn nhận nông dân xã đảo Tam Hiệp đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Trước mắt, huyện và xã vận động cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, các đoàn thể địa phương tiêu thụ nhằm góp phần giải cứu cho bà con nông dân nhưng cũng không được bao nhiêu.

“Hiện địa phương đang phối hợp với Sở Công Thương tỉnh kết nối với các nơi khác tìm đầu mối hỗ trợ giải cứu khoảng 100 tấn nhãn đang chín rộ của bà con nông dân xã Tam Hiệp” - ông Quân cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cũng cho hay dù các bộ, ngành cũng đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách song thực tế mỗi nơi áp dụng mỗi cách khác nhau.

“Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch là cần thiết. Song cơ quan chức năng các cấp cần quan tâm hơn và có biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong khâu nhân công thu hoạch; tạo điều kiện cho vận chuyển, thương lái đến thu mua, hướng nông sản vào các siêu thị, cửa hàng… Qua đó góp phần hạn chế thiệt hại cho bà con” - ông Phú kiến nghị.

Ông Lê Văn Suốt (ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đở) chia sẻ hiện nay khó khăn nhất của bà con tại Nông trường Sông Hậu là nhân công thu hoạch và khâu vận chuyển. Trước giờ nhân công thu hoạch có kinh nghiệm chủ yếu từ các địa phương lân cận đến nhưng nay thực hiện giãn cách, họ không qua chốt kiểm dịch được. Mặt khác, quy định không được tụ tập đông người, trong khi đặc thù của việc thu hoạch là phải đông nhân công.

“Quy định về kiểm dịch khiến thương lái, xe vận chuyển không vào được… nên không thể xuất khẩu. Tôi mong sao ngành chức năng nghiên cứu xem xét có giải pháp hợp lý, nhất là tại các chốt kiểm dịch để cho nhân công và thương lái có thể vào thu mua nông sản của bà con” - ông Suốt mong mỏi.

Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thừa nhận thực tế hiện một số mặt hàng nông sản đang xuống giá sâu. Nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân thu hoạch và tiêu thụ hàng hóa, sở đã phối hợp với Sở Công Thương lên phương án tiêu thụ hàng hóa trong nội TP. Chẳng hạn, kêu gọi bà con trên địa bàn chung tay hỗ trợ tiêu thụ và đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Mặt khác, sở phối hợp với ngành công thương bổ sung danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông thương. Đồng thời TP kiến nghị với trung ương chỉ đạo việc điều tiết, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương với nhau.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện tỉnh đang vào giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa hè thu năm 2021, với sản lượng cần tiêu thụ hơn 1,3 triệu tấn. Có điều nông dân gặp khó khăn về nhân lực, nhân công thu hoạch và đầu ra tiêu thụ lúa.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa tổ chức sản xuất tại địa phương, UBND tỉnh An Giang có chủ trương cho xét nghiệm COVID-19 đối với lực lượng lao động có đăng ký danh sách tham gia thu hoạch, vận chuyển lúa hè thu năm 2021 cho các thương lái, doanh nghiệp theo hình thức mẫu gộp. Ngoài ra, tỉnh đã có văn bản gửi các tỉnh, TP tạo điều kiện cho con người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Kinh nghiệm từ tiêu thụ trái vải Bắc Giang

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay cơ quan này đã có quyết định thành lập tổ công tác tại TP.HCM. Tổ có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, từ đó đề xuất bộ có những giải pháp, kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản.

Tổ công tác cũng đề nghị bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đưa hàng hóa là giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Vì hiện nay một số tỉnh phản ánh việc vận chuyển cây con giống, vật tư đầu vào gặp khó khăn, gây bất ổn trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường ổn định, lâu dài.

Song song đó, từ kinh nghiệm trong giải quyết khó khăn của vải thiều Bắc Giang cho thấy nếu có sự chủ động từ các địa phương, sự phối hợp đồng bộ và thống nhất của các bộ, ngành thì điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng các loại nông sản khác ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cũng vậy, nên được vận dụng một cách tối đa các hình thức tiêu thụ.

“Ví dụ như thông qua các sàn thương mại điện tử, giao thương trực tuyến… Qua đó để xử lý kịp thời lượng nông sản đang tới vụ thu hoạch, đảm bảo được chất lượng và giá cả cho bà con nông dân” - Thứ trưởng Tiến nói.

Khóm rớt giá mạnh, thấp nhất chỉ còn 2.000 đồng/kg

Vùng đất rốn lũ, rốn phèn xã Tân Phước, huyện Tân Phước, Tiền Giang nổi tiếng về trồng khóm với diện tích khoảng 15.000 ha, sản lượng hằng năm hàng trăm ngàn tấn. Ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phước, thông tin đang vào mùa mưa nên lượng khóm thu hoạch rất nhiều. Song đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên thương lái từ các tỉnh ngại đến, giá khóm bà con bán tại ruộng giảm một nửa, chỉ còn 2.000-5.000 đồng/kg.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp tập hợp đầu mối các nơi và phối hợp với Sở Công Thương tỉnh để kết nối, giới thiệu nguồn tiêu thụ khóm cho bà con trồng khóm. Cạnh đó, địa phương tạo mọi điều kiện để thương lái các nơi đến tiêu thụ khóm cho bà con nông dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới