Không để ông Trump dao động trước Trung Quốc

Đó là nhận định của cây bút Glenn Thrush trong bài xã luận mới đây trên tờ The New York Times. Vào bữa tiệc tối tại Buenos Aires (Argentina) với Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình, Tổng thống Trump đã với người qua bàn ăn, chỉ tay vào Robert Lighthizer, nhà đàm phán thương mại của Mỹ, giới thiệu: “Đây là nhà đàm phán của tôi”. Sau đó, ông Trump quay sang Peter Navarro, cố vấn thương mại được cho là “diều hâu” hơn Robert Lighthizer, nói thêm rằng: “Còn đây là người cộng sự khó tính của tôi”.

Không để ông Trump dao động

Hiện tại, với việc những cuộc đối thoại giữa TQ và Mỹ được ấn định diễn ra vào tuần này tại Bắc Kinh, Lighthizer cùng với Navarro đối diện với một nhiệm vụ mang tính thời đại: Tái định vị mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thời hạn 2-3-2019 do Tổng thống Trump đặt ra.

Lighthizer phải vừa đạt được thỏa thuận với TQ, vừa giữ được cán cân quyền lực nghiêng về phía Mỹ. Cách tiếp cận của ông sẽ có hệ lụy rất lớn đến các công ty, người lao động và người tiêu dùng Mỹ - những đối tượng mà quyền lợi gắn chặt với thị trường TQ, dù Trump có muốn hay không.

Tuy nhiên, trước hết Lighthizer cần giữ ông Trump, vị tổng thống “khó đoán” của nước Mỹ, không bị dao động khi thị trường tài chính đang bất ổn và vừa chứng kiến đợt tụt dốc kỷ lục nhất kể từ năm 2008. Tuy tuyên bố rằng chiến tranh thương mại “dễ chiến thắng” và khẳng định thêm mình là “người đặt luật chơi thuế quan”, ông Trump mặt khác lại nôn nóng trong việc tìm kiếm thỏa thuận nhằm ổn định lại thị trường, điều mà ông ví như “điện tâm đồ” cho thời kỳ tổng thống của mình.

Theo thông tin từ nội bộ, ông Trump liên tục nói với các cố vấn của mình rằng đối với người đồng cấp TQ Tập Cận Bình, ông có thể chấm dứt thỏa thuận quan trọng. Cuối tháng trước, ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Tập để thảo luận về tình trạng các buổi đối thoại và sau đó ông cập nhật trên Twitter rằng “việc thảo luận đang tiến triển rất tốt”.

Trước đó phía Mỹ đã cố gắng buộc TQ phải thay đổi luật chơi bằng cách áp mức thuế trị giá 250 tỉ USD, hạn chế đầu tư của TQ tại Mỹ và đe dọa sẽ bổ sung mức phạt trị giá 267 tỉ USD. Phía TQ cũng đã đáp trả bằng các khoản thuế quan có giá trị tương đương đối với hàng hóa Mỹ. Nhưng sau bữa tiệc tối trong chương trình Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, ông Tập và ông Trump đồng ý tạm ngừng tăng thuế mới và nỗ lực hướng tới “một thỏa thuận lớn nhất từ trước tới nay”.

“Đây chưa hẳn là một bước chuyển biến chắc chắn, Trump đã dao động nhiều lần từ hồi tháng 9” - theo Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu kinh tế TQ tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. “Ông Trump chuyển từ trạng thái nói về việc sẽ áp thuế lên tất cả mọi thứ sang nói về các cuộc đàm phán để có được thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay” - chuyên gia Derek Scissors cho biết.

Robert Lighthizer - nhà đàm phán thương mại của Mỹ. Ảnh: REUTERS

Không tin tưởng “lời hứa suông” của Trung Quốc

Trợ lý của Lighthizer bắt đầu gặp phía TQ vào tuần này, trước khi các cuộc đối thoại cấp cao hơn sẽ diễn ra vào tháng 2-2019. Lighthizer đã giảm thiểu tất cả bất đồng với Tổng thống Trump và thể hiện vai trò là người tuyệt đối thực thi mệnh lệnh của cấp trên. Tuy nhiên, vị này cho biết ông chủ đích giảm thiểu việc tổng thống bị khiêu khích dẫn đến chấp nhận các “lời hứa suông” của TQ như tăng tạm thời sức mua đậu nành hay thịt bò.

Những người biết về Lighthizer nói rằng ông ấy sẽ cố gắng đạt bằng được thỏa thuận thông qua sự kết hợp những thủ thuật gây áp lực như thuế quan và sự công kích từ dư luận. Ông Lighthizer, người tự mô tả phong cách đàm phán của mình là “biết đâu là đòn bẩy” trong một cuộc phỏng vấn năm 1984, đặc biệt nhấn mạnh một vài yêu cầu cụ thể trong suốt các buổi đối thoại với TQ, đồng thời công khai bác bỏ mọi nỗ lực từ phía Bắc Kinh. 

Ông Lighthizer cũng thúc đẩy các thay đổi mang tính thực tiễn, ví dụ như buộc TQ phải ngừng việc cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Nhưng sau 40 năm đàm phán với TQ và theo dõi nước này luồn lách các cam kết, ông Lighthizer giữ thái độ nghi ngờ sâu sắc với chính quyền Bắc Kinh và cảnh báo ông Trump rằng Mỹ cần phải tạo thêm nhiều áp lực thông qua việc bổ sung các loại thuế để thực sự đạt được mục tiêu. Khi Lighthizer cảm nhận được có bất kỳ ai, kể cả ông Trump, có thể sẽ “mềm lòng” với TQ, ông sẽ giở ra một tập thông tin, lật đến trang có một bảng biểu dễ đọc, trình bày tất cả đàm phán thương mại đã từng thất bại với chính quyền Bắc Kinh.

William A. Reinsch, cựu thành viên Ủy ban Thương mại liên bang, người đã từng gặp Lighthizer cách đây ba thập niên khi ông là trợ lý cho thượng nghị sĩ Bob Dole bang Kansas, chia sẻ: “Thái độ của Bob đối với TQ rất đơn giản. Ông muốn họ phải đầu hàng. Chiến lược đàm phán của ông Bob cũng rất đơn giản. Ông ấy đưa cho đối phương một danh sách những điều ông ấy muốn, rồi nói rằng “hãy chốt đi!””.

Trump lựa chọn ông Lighthizer vào tháng trước để dẫn đầu đoàn đàm phán, mà dự kiến ban đầu là về các vấn đề gián điệp TQ. Điều này cho thấy cuộc gặp với TQ là một điềm gở. Việc này cũng gây khó chịu cho giới chức Bắc Kinh, những người đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, vốn khá chừng mực với TQ.

Lọt vào “mắt xanh” ông Trump từ 2011

Ông Lighthizer tìm được con đường để vào vòng tròn quỹ đạo xoay quanh Trump thông qua công việc của ông trong ngành thép, nơi ông giành được tiếng tăm khi kiện Nhật Bản và TQ ra tòa vì xả kim loại vào nước Mỹ - một hành động vi phạm luật thương mại. Vào năm 2011, ông Lighthizer khiến ông Trump chú ý với một phát biểu trên tờ The Washington Times khi ông bảo vệ cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với TQ vì nó nhất quán với tư tưởng của đảng Cộng hòa và so sánh người sẽ là tổng thống sau này như một biểu tượng của người Cộng hòa như cựu tổng thống Ronald Reagan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm