Chỉ một ngày sau khi hoan hỉ với tin Mỹ và Trung Quốc đạt được “thỏa thuận đình chiến” 90 ngày chờ giải quyết cuộc chiến thương mại hai bên, thị trường tài chính thế giới bắt đầu ảm đạm trở lại với sự hồ nghi về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Thị trường tài chính châu Á ngày 5-12 và phương Tây ngày 4-12 biến động mạnh liên quan diễn biến cuộc chiến này. Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc, Nhật đều giảm. Chỉ số Stoxx ở thị trường châu Âu giảm 0,7%. Tại phố Wall, chỉ số S&P giảm 3,24%, mức thấp nhất trong vòng hai tháng, mất gần 800 tỉ USD giá trị thị trường. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,1%, chỉ số Nasdaq giảm 3,8%. Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cũng biến động mạnh, điểm chuẩn trái phiếu 10 năm giảm đến mức thấp nhất tính từ giữa tháng 9.
Chân dung “người tên lửa”
Sự lạc quan của các nhà đầu tư nhanh chóng biến mất sau khi có thông tin chính phủ Trump chỉ định đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong đợt đàm phán sắp tới với Trung Quốc.
Ông Lighthizer là người thứ ba được chỉ định dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với Trung Quốc kể từ năm 2017, sau Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Cả hai ông Ross và Mnuchin đều đã không thể đạt được một thỏa thuận chắc chắn và lâu dài với Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal, ông Lighthizer là người rất cứng rắn với Trung Quốc. Cụ thể, hồi thập niên 1990 ông này từng phản đối Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Gần đây ông Lighthizer chính là người dẫn đầu cuộc vận động để Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc. Văn phòng của ông Lighthizer cũng chịu trách nhiệm về báo cáo đầu năm nay cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, cũng như chính thức kích hoạt tiến trình thuế quan lên Trung Quốc.
Từ thời gian làm việc dưới thời chính phủ Tổng thống Ronald Reagan, ông Robert Lighthizer lúc đó đang là phó đại diện thương mại Mỹ đã được biết như là một người khó thương lượng. Thập niên 1980, ông Lighthizer tham gia cuộc thương lượng giữa Mỹ và Nga về việc chấm dứt cấm vận Mỹ lên xuất khẩu nông sản của Liên bang Xô viết. Tại cuộc thương lượng, ông Lighthizer được phía Nga tặng cho một hộp xì gà Cuba. Và ông Lighthizer đã hút một lèo hết cả hộp xì gà ngay trong phòng họp được đóng kín cửa, với chủ ý nhằm làm các nhà thương lượng phía Nga khó chịu và mất tập trung vì khói xì gà. Cũng thời gian này, ông Lighthizer nổi danh trong giới quan chức Nhật với tên gọi “người tên lửa”, sau khi ném bay một bộ đề xuất như một chiếc máy bay trong một cuộc thương lượng.
“Người tên lửa” - đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chọn dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán thương mại với Trung Quốc từ giữa tháng 12 tới. Ảnh: AP
90 ngày sẽ không đủ
Business Insider nhận định sự tin tưởng của ông Trump với ông Lighthizer tăng lên sau khi ông Lighthizer giúp Mỹ đạt được thỏa thuận mới với Mexico và Canada thay cho Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ.
Ông Trump có nói ông Lighthizer sẽ không hành động hay quyết định một mình mà sẽ “phối hợp chặt” với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Cố vấn thương mại Larry Kudlow, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn kinh tế Peter Navarro. Tuy nhiên, phát ngôn này không khiến các nhà đầu tư bớt lo lắng.
Bộ trưởng Thương mại Ross cũng nói chuyện ông Lighthizer được chọn dẫn đầu phái đoàn thương lượng phía Mỹ là bình thường, vì đó là công việc của một đại diện thương mại. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Business Insider, chuyện ông Lighthizer được chọn dẫn đầu phái đoàn đàm phán Mỹ khiến nhiều quan chức Trung Quốc rất ngạc nhiên và lo ngại khi ông này cứng rắn với Trung Quốc hơn nhiều so với hai ông Mnuchin và Ross.
CNBC dẫn nhận định nhiều chuyên gia rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể đạt được thỏa thuận nào trong ba tháng tới. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng ING (Hà Lan), ba tháng chắc chắn không đủ mà hai nước cần đến hàng năm trời đàm phán nếu muốn có được một thỏa thuận giải quyết được hoàn bộ các phàn nàn của Mỹ với Trung Quốc. Chính phủ Trump muốn Trung Quốc bỏ các chính sách ăn cắp tài sản trí tuệ, tạo rào cản với doanh nghiệp Mỹ và cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Một lý do nữa theo công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) là vì chính phủ Trump sẽ không chấp nhận một thỏa thuận có quá nhiều nhượng bộ với Trung Quốc.
Nói với Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin thừa nhận sự hồ nghi của các nhà đầu tư về kết quả đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, cần lạc quan “thỏa thuận đình chiến” 90 ngày và việc hai nước tích cực nối lại đàm phán là các bước tiến triển đặc biệt ý nghĩa. Trong khi đó Fox News dẫn lời cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro rằng mới giờ này mà các nhà đầu tư đã nghĩ đàm phán không có kết quả là quá sớm.
Diễn biến vẫn rất phức tạp Ông Trump ngày 4-12 càng khiến lòng tin các nhà đầu tư thêm chao đảo khi lên Twitter nói dù vẫn hy vọng đạt thỏa thuận với Trung Quốc nhưng không ngại tiếp tục dùng đến biện pháp đánh thuế nếu hai bên không giải quyết được bất đồng. Một điều khiến các nhà đầu tư và nhà phân tích lo ngại nữa là vì phía Trung Quốc rất kiệm lời về “thỏa thuận đình chiến” với Mỹ. Vòng đàm phán mới dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 12. Nếu từ giờ tới ngày 1-3-2019 hai bên không đạt được thỏa thuận thì chưa biết diễn biến sẽ còn nghiêm trọng thế nào. Trước mắt, rất có thể ông Trump sẽ thực hiện lời đe dọa tăng mức thuế quan của khoảng 200 tỉ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, cũng như áp gói thuế quan thứ ba lên 267 tỉ USD hàng Trung Quốc. |