Không đưa vào luật việc thu tiền rác thải theo khối lượng

Ngày 12-6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã giải thích thêm về đề xuất thu tiền phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng.

Thu tiền theo kích cỡ túi rác

. Phóng viên: Thưa ông, thông tin tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), ông nói sẽ thu tiền rác thải sinh hoạt theo khối lượng. Cụ thể thế nào?

Ông Trần Hồng Hà: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có đề xuất đổi mới chính sách thu tiền rác thải sinh hoạt từ bình quân đầu người sang khối lượng, thể tích.

Để đơn giản, không phải là chi ly cân nặng từng lần lấy rác, mà như chúng tôi đề xuất là thiết kế túi đựng rác theo từng dung tích. Thu tiền phí xử lý rác thải theo kích cỡ túi nhưng đây chỉ là dự kiến và sẽ triển khai ở từng địa phương chứ không đưa vào luật.

Văn bản dưới luật và các địa phương sẽ cụ thể, chi tiết hóa phương pháp, cách thức làm sao cho thuận tiện, phù hợp với văn hóa, lề lối sinh hoạt của người dân từng địa phương. Luật chỉ quy định nguyên tắc xả thải nhiều thì chi phí nhiều tương ứng.

. Vậy chính sách này có khả thi không? Lộ trình thực hiện ra sao?

Khả thi thế nào thì ngoài quan điểm, chủ trương của trung ương, thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật, còn tùy thuộc nhiều vào chính quyền địa phương và người dân.

Chính sách của trung ương và chính quyền địa phương là nhằm tác động vào nhận thức, hành vi của người dân. Từ đó, tạo ra những thay đổi về hành vi của họ theo hướng khoa học hơn, mà trường hợp cụ thể này là xử lý rác thải sinh hoạt.

Về phía chính quyền các cấp, phải có chính sách thu hút đầu tư theo hướng đảm bảo tính đồng bộ từ phân loại, vận chuyển đến lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với từng loại rác thải.

Tôi tin rằng với đề xuất của Chính phủ thể hiện trong dự thảo sửa đổi Luật BVMT, chỉ một điều chỉnh nhỏ từ thu tiền theo đầu người xả thải sang thu tiền theo lượng rác xả thải sẽ tạo ra chuyển biến tích cực từ người dân.

Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời báo chí sáng 12-6. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Người dân được lợi gì?

. Trên diễn đàn Quốc hội, ông nói người dân sẽ được hỗ trợ, hưởng lợi khi thực hiện chính sách này?

Chúng tôi đề xuất với các loại rác tái chế được như giấy, đồ nhựa... thì đó là tài nguyên. Người xả thải không phải trả tiền xử lý loại rác thải này.

Với loại rác là bao bì hoặc loại mà nhà sản xuất cam kết thu gom, tái chế thì nhà sản xuất sẽ phải chia sẻ trách nhiệm xử lý môi trường chứ không đổ hết vào người dân.

Ngoài ra, trung ương và địa phương sẽ nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt, hỗ trợ chi phí thu gom, xử lý rác chứ không phải người dân gánh tất cả.

Tôi khẳng định ở giai đoạn phát triển hiện tại, người dân chỉ phải chi trả một phần chi phí để xử lý rác chứ không phải toàn bộ.

. Dự thảo này bổ sung hình thức thanh tra, kiểm tra không cần thông báo trước. Điều này dẫn đến lo ngại việc lạm dụng, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp?

Lo ngại này quá đúng vì dự luật quy định chặt chẽ về thẩm quyền quyết định thanh tra đột xuất. Ở trung ương thì bộ trưởng Bộ TN&MT mới có quyền quyết định, còn địa phương thì phải là chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Căn cứ đề thanh tra không báo trước cũng phải cụ thể. Chẳng hạn, đó là doanh nghiệp đã thanh tra, kiểm tra nhiều lần, mà chưa thấy khắc phục hành vi vi phạm. Lĩnh vực sản xuất ấy là có nguy cơ cao về môi trường.

Còn những cơ sở sản xuất liên tục đáp ứng yêu cầu về môi trường, đã áp dụng chế độ quan trắc tự động… thì không nhất thiết áp dụng hình thức kiểm tra, thanh tra bất ngờ này.

. Xin cám ơn ông.

Đây là thách thức rất lớn

. Làm thế nào để vừa thuận lợi trong tiếp nhận các tố cáo, phản ánh về môi trường, vừa cân bằng yêu cầu BVMT  phát triển?

+ Đây là thách thức lớn của ngành môi trường. Tôi cho rằng cần thiết lập hệ thống quan trắc, theo dõi, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo về môi trường.

Thông tin đầu vào thì đa dạng nhưng xử lý thế nào thì phải có hệ thống thông tin kỹ thuật, hồ sơ quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuyệt đối không nên theo cách cứ có phản ánh là chạy loạn lên. Phải có cách thức để nâng cao chất lượng thông tin phản ánh đầu vào. Người phản ánh phải có trách nhiệm với thông tin.

Xin cảm ơn ông. 

Ý KIẾN CHUYÊN GIA VÀ NGƯỜI DÂN

Rất khó quản lý

Việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng của Bộ TN&MT là đảm bảo việc tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, trên thực tế muốn thực hiện không phải là điều dễ dàng.

Đơn cử, công nhân thu gom rác không thể ngày nào cũng ghi nhận khối lượng rác đã thu. Chưa kể, hiện nay đơn giá thu gom rác mỗi nơi mỗi giá, giờ lại thêm việc tính theo khối lượng thì càng khó thực hiện. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng muốn thực hiện thì cần phải có lộ trình và tính toán thật kỹ.

Cụ thể, cơ quan chức năng nên có tính toán kỹ lưỡng, có quy trình, phương pháp làm việc. Bởi ngay cả giá hiện nay đưa ra còn chưa quản lý được thì việc cân khối lượng để tính sẽ càng khó quản lý hơn.

Ông HUỲNH MINH NHỰT, Giám đốc Công ty TNHH MTV
Môi trường đô thị TP.HCM

Gây khó cho người dân

Về lý thuyết là Bộ TN&MT muốn đạt mục tiêu giảm lượng rác phát sinh, nâng cao nhận thức của người dân về thải rác sinh hoạt.

Tuy nhiên, nếu thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ phát sinh thêm việc xác định khối lượng rác trong mỗi lần thu gom. Điều này sẽ gây khó cho người dân khi phải chứng kiến và xác nhận khối lượng rác.

Việc xác định khối lượng rác thải cũng sẽ gây khó cho người thu gom vì mất thời gian thống kê lượng rác để tính tiền. Phương án thu theo số người trong hộ sẽ ổn hơn. Cụ thể, định mức rác khu đô thị (tùy loại) 1 kg/người/ngày nhân cho số người trong hộ. Theo đó, thu phí hằng tháng bắt buộc người dân phải đóng. Khi người dân đã nộp phí thì không lý gì họ lại thải bỏ rác bừa bãi.

GS-TS NGUYỄN VĂN PHƯỚC, Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM

Nên có thử nghiệm và lộ trình

Về nguyên lý và nguyên tắc quản lý rác thải sinh hoạt thì quy định trong dự thảo Luật BVMT là đúng. Rác thải phân loại phải được thu gom để đưa về các công trình xử lý tương ứng. Tuy nhiên, theo tôi, luật ban hành là để thực tế xã hội, cộng đồng, dân cư, các tổ chức xã hội phải tuân thủ thực hiện.

Còn về phân loại rác thải sinh hoạt hiện nay tại hầu hết các đô thị trong cả nước chưa thực hiện được. Nhiều dự án phân loại rác tại nguồn đã không thành công. Các hộ dân cũng được nhận các loại túi màu để chứa các loại rác khác nhau nhưng sau đó các loại túi ấy cũng được thu gom đưa về bãi chôn lấp. Vì người dân không tin nên các dự án đó đều chưa hiệu quả.

Do vậy, khi nào các thành phố có quyết định và đã có đề án đồng bộ phân loại rác tại nguồn, các quy định này hãy đưa vào luật, tránh luật ban hành nhưng không đi vào cuộc sống.

Quản lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm của cộng đồng dân cư và cả chính quyền đô thị. Nhà nước và chính quyền vẫn cần hỗ trợ trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Nếu muốn tính đúng, tính đủ phí rác thải sinh hoạt thì Nhà nước và chính quyền nên có các chương trình thử nghiệm và lộ trình.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, họ có chính sách thu phí xử lý rác thải cao hơn ở những hộ gia đình có thu nhập cao để bù cho những hộ gia đình và người thu nhập thấp.

GS-TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam

Phát sinh nhiều bất cập

Nếu tính giá rác theo ký có thể sẽ phát sinh ra trường hợp người dân sợ phải trả nhiều tiền rồi mang rác từ nhà đến chỗ khác để bỏ. Điều này sẽ càng gây mất vệ sinh môi trường.

Chị LÊ THANH THÚY, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM

Nếu phát sinh thêm việc cân ký thì rất mất thời gian, chúng tôi không thể nào ngày nào cũng đến gõ cửa từng nhà để ghi lại số lượng rác thải. Nếu người ta không có nhà thì chúng tôi biết tính thế nào. Chưa kể thu nhập của chúng tôi vốn đã rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, giờ lại phát sinh thêm việc thì thật khó cho công nhân chúng tôi.

Chị LÊ THỊ TÁM, công nhân thu gom rác

NGUYỄN CHÂU ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm