Phóng viên: Thưa ông, thông tin tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, ông có nói sẽ thu tiền rác thải sinh hoạt theo khối lượng. Cụ thể là thế nào?
+ Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) có đề xuất đổi mới chính sách thu tiền rác thải sinh từ bình quân đầu người sang khối lượng, thể tích. Nhiều nước cũng sử dụng phương pháp này.
Để đơn giản, không phải là chi li cân nặng từng lần lấy rác, mà như chúng tôi đề xuất, là thiết kế túi đựng rác theo từng dung tích. Thu tiền phí xử lý rác thải sẽ theo kích cỡ túi.
Nhưng đây chỉ là dự kiến và sẽ từng địa phương triển khai, chứ không đưa vào luật. Văn bản dưới luật và các địa phương sẽ cụ thể, chi tiết hóa phương pháp, cách thức, làm sao cho thuận tiện nhất với văn hóa, lề lối sinh hoạt của người dân từng địa phương. Luật chỉ quy định nguyên tắc là xả thải nhiều thì chi phí nhiều tương ứng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung hình thức thanh, kiểm tra không cần thông báo trước. Nhưng có lo ngại rằng điều này dễ dẫn tới lạm dụng, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp…
+ Lo ngại này quá đúng. Vì vậy, dự luật quy định chặt chẽ về thẩm quyền quyết định thanh tra đột xuất. Ở Trung ương thì Bộ trưởng Bộ TN&MT mới có quyền quyết định. Còn địa phương thì phải là Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Căn cứ đề thanh tra không báo trước cũng phải cụ thể. Chẳng hạn, đấy là doanh nghiệp đã thanh, kiểm tra nhiều lần, mà chưa thấy khắc phục hành vi vi phạm, rồi lĩnh vực sản xuất ấy là có nguy cơ cao về môi trường…
Còn những cơ sở sản xuất liên tục đáp ứng yêu cầu về môi trường, đã áp dụng chế độ quan tắc tự động… thì không nhất thiết áp dụng hình thức kiểm tra, thanh tra bất ngờ này.
. Môi trường là vấn đề nhạy cảm, dễ gây tâm lý đám đông. Làm thế nào để vừa thuận lợi hóa trong tiếp nhận các tố cáo, phản ánh về môi trường, vừa cân bằng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển?
+ Đây là vấn đề, là thách thức rất lớn của ngành môi trường. Tôi cho rằng cần thiết lập hệ thống quan trắc, theo dõi, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo về môi trường. Thông tin đầu vào thì đa dạng, nhưng xử lý thế nào thì phải có hệ thống thông tin kỹ thuật, hồ sơ quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuyệt đối không nên theo cách cứ có phản ánh là chạy loạn lên. Phải có cách thức để nâng cao chất lượng thông tin phản ánh đầu vào. Người phản ánh phải có trách nhiệm với thông tin.
. Xin cảm ơn ông!