Người dân TP.HCM nếu chưa phân loại rác có bị phạt?

(PLO)- Hiện nay, các địa phương trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa triển khai thực hiện phạt với trường hợp không phân loại rác tại nguồn do đang chờ TP ban hành đề án phân loại rác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ TN&MT đã có văn bản phân công UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại rác sinh hoạt. Các địa phương triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt chậm nhất từ ngày 31-12-2024.

Người dân TP.HCM nếu chưa phân loại rác có bị phạt?
Khối lượng rác sinh hoạt trung bình phát sinh khoảng 13.000 tấn/ngày. Ảnh: NC

Cá nhân, hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt làm ba loại gồm rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác. Nếu không phân loại, người dân sẽ bị xử phạt 500.000 đến 1 triệu đồng theo Nghị định 45/2022. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

TP.HCM chờ phương án phân loại rác

Theo ghi nhận trên địa bàn TP.HCM, hiện nay các địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện phạt với những trường hợp không phân loại rác tại nguồn (PLRTN) do đang chờ TP ban hành đề án phân loại rác.

Bà Nguyễn Thị Mai (cư ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ địa phương chưa thông báo gì về vấn đề xử phạt nếu không PLRTN nên nhiều người dân chưa nắm và chưa thực hiện.

"Khu phố có tuyên truyền thường xuyên về việc PLRTN nhưng đến nay chưa làm đồng bộ. Người dân vẫn đang bỏ rác theo thói quen. Nếu có áp dụng xử phạt thì phải thông báo cụ thể về thời gian áp dụng và mức phạt"- bà Mai nói.

Đại diện Phòng TN&MT quận 12 cho biết Bộ TN&MT đã có hướng dẫn kỹ thuật về PLRTN. Theo đó, rác tại nguồn được phân thành ba nhóm theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau đó, UBND quận đã triển khai đến các phường để thực hiện PLRTN theo quy định.

"Hiện nay, quận đang chờ TP triển khai đề án PLRTN trên địa bàn để thực hiện đồng bộ nên tạm thời chưa áp dụng xử phạt. Quận đã đề nghị các phường tăng cường công tác tuyên truyền PLRTN đến cán bộ công chức, viên chức, người lao động, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận diện PLRTN theo hướng dẫn của Bộ TN&MT" - đại diện Phòng TN&MT quận 12 chia sẻ.

Tương tự quận 12, trên địa bàn quận Bình Tân hiện nay cũng đang chờ đề án PLRTN của TP.HCM để thực hiện việc phân loại rác, sau đó mới có lộ trình xử phạt nếu không phân loại theo quy định.

"Hiện quận Bình Tân vẫn thực hiện phân loại rác thành hai loại là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế và rác thải còn lại. Chúng tôi vẫn chờ TP để triển khai cho người dân thực hiện một lần cho thống nhất" - đại diện UBND quận Bình Tân chia sẻ.

Phân rác thành ba loại để phù hợp với luật

Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết hiện nay đề án PLRTN đang trình và xin ý kiến thường trực Thành ủy.

phân loại rác 1-20240711_154103.jpg
Nhiều nơi phương tiện thu gom rác sinh hoạt vẫn còn thô sơ. Ảnh: NC

Trước đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các địa phương, sở ngành xây dựng đề án PLRTN để trình UBND TP xem xét, báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy trước khi triển khai thực hiện.

Ngày 18-11-2024, Ban cán sự đảng UBND TP đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đề án. Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT hoàn thiện nội dung dự thảo đề án trình UBND TP xem xét thông qua, báo cáo Ban cán sự đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy.

Theo UBND TP, từ năm 2021, TP triển khai phương thức PLRTN thành hai nhóm chính: Nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ năm 2025 phân loại rác sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thành ba nhóm: Rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm và rác sinh hoạt khác.

Để triển khai đồng bộ công tác phân loại rác sinh hoạt theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, TP đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với UBND TP Thủ Đức và quận huyện rà soát lại tình hình tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt sau phân loại; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lưu giữ, vận chuyển rác sinh hoạt sau phân loại. Từ đó tổng hợp ý kiến về thời điểm triển khai phân loại rác và xây dựng kế hoạch PLRTN giai đoạn 2023-2025.

"Chất thải rắn trên địa bàn TP sẽ được phân loại thành ba nhóm theo quy định tại Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường đã được Thường trực Thành ủy thống nhất về chủ trương tại Thông báo số 996 ngày 1-2-2024 về điều chỉnh phương thức thực hiện PLRTN trên địa bàn TP"- báo cáo từ UBND TP nêu rõ.

Mỗi năm TP.HCM tăng khoảng 5,6 % lượng rác thải sinh hoạt

Theo Sở TN&MT TP.HCM, khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TP phát sinh từ bảy loại hình nguồn thải gồm khu dân cư, khu vực cơ quan hành chính – văn phòng công ty, khu thương mại, nhà hàng – khách sạn, khu vực sản xuất, cơ sở y tế, khu vực công cộng.

Hiện nay, khối lượng rác sinh hoạt trung bình phát sinh khoảng 13.000 tấn/ngày, tỉ lệ tăng lượng rác sinh hoạt hàng năm vào khoảng 5,6 %. Trong đó, chất thải có khả năng tái chế tái sử dụng hình thành theo cơ chế thị trường khoảng 3.000 tấn/ngày, khối lượng còn lại khoảng 10.000 tấn/ngày được thu gom vận chuyển về các nhà máy xử lý của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm