Chiều 13-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại
đại biểu (ĐB) Danh Út (Kiên Giang) nêu quan điểm: “Tôi không đồng ý xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bởi nếu xóa thuế sẽ tạo ra môi trường không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế theo Hiến pháp. Nếu làm ăn thua lỗ rồi xóa nợ thuế là khuyến khích, tạo tiền lệ cho các DN làm ăn kém hiệu quả, thậm chí làm ăn phi pháp”.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng không nhất trí xóa nợ thuế cho DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập như dự thảo Luật Quản lý thuế.
“Không để tình trạng DN lời thì hưởng mà lỗ thì Nhà nước gánh chịu, mà Nhà nước ở đây là dân” - ông Vở nói.
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc xóa nợ thuế cho DNNN. Bà Nguyệt Hường cho rằng trong tờ trình của Chính phủ không nêu rõ tổng số nợ thuế là bao nhiêu, bao nhiêu DNNN trong danh sách cổ phần hóa được xóa thuế. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ tạo ra bất bình đẳng cho DN.
Đặc biệt theo bà Nguyệt Hường, xóa nợ cho DNNN sẽ thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhưng phương án này làm cho giá trị DN không được xác định đúng, từ đó sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư và người tiếp quản tiếp theo. Hoặc khiến cho DNNN cố tình trì hoãn quá trình cổ phần hóa và tâm lý trông chờ, ỷ lại.
“Khi cổ phần hóa hay chuyển đổi sở hữu thì công ty chuyển đổi phải kế thừa quyền lợi và lợi ích hợp pháp gồm nghĩa vụ thuế. Quy định xóa nợ với DNNN như vậy là chưa phù hợp” - ĐB của Hà Nội nhấn mạnh.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Nếu làm ăn thua lỗ rồi xóa nợ thuế là khuyến khích làm ăn kém hiệu quả. Ảnh: TP
Lo ngành ô tô trong nước chết
Liên quan đến vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nhiều ĐB băn khoăn với đề xuất giảm thuế với ô tô.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhìn nhận Chính phủ đề xuất phương án đánh thuế TTĐB cao với dòng xe ô tô 3,0 L trở lên và giảm thuế với dòng 2,0 L nhằm khuyến khích tiêu dùng nhưng trong điều kiện hạ tầng giao thông nước ta còn hạn chế sẽ làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông. Đặc biệt giảm thuế sẽ đe dọa đến ngành công nghiệp ô tô trong nước.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì cho rằng giảm thuế với dòng xe công suất nhỏ sẽ giúp người dân tiếp cận dễ với ô tô. Đó cũng là yêu cầu khi Việt Nam hội nhập. Tuy nhiên, nếu Việt Nam giảm thuế quá sâu dẫn đến hệ lụy là ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ bước lên “vũ đài mới” trong sự cạnh tranh không cân sức.
“Ngành ô tô của ta mới ra đời, còn non trẻ, vốn liếng đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi nước ngoài có nhiều kinh nghiệm.
Do đó, nếu giảm sâu thuế TTĐB và tiến tới thuế suất bằng 0% thì ngành ô tô trong nước chắc chắn sẽ chết” - ĐB Vẻ lo ngại.
“Nếu nâng tuổi trẻ em, viện nhi phải lập khoa sản” Sáng 13-11, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Liên quan đến đề xuất nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng dù việc nâng tuổi trẻ em là tuân theo Công ước quốc tế nhưng cần xem xét kỹ có tính khả thi hay không khi các tập tục tảo hôn ở miền núi vẫn còn. Để thay đổi tập tục thì không phải ngày một ngày hai. “Nếu xây dựng luật mà không có lộ trình, biện pháp áp dụng trong cuộc sống, xây để trang trí thì xây làm gì, đôi khi còn bị chế giễu. Chúng ta nói đùa với nhau là viện nhi sắp tới phải thành lập khoa sản nếu như nâng tuổi trẻ em lên 18. Cái này hiện giờ đã là nguy cơ rồi” - bà Lan nói. Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) tỏ ra ngạc nhiên với quy định này. “Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định 18 tuổi mới hết là trẻ em thì lạ quá!” - ông Ánh nói và đề nghị cần xem xét lại dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và BLHS (sửa đổi) để sửa lại quy định liên quan cho phù hợp. |