Không những vậy, công ty còn in ảnh chị, dán lên bảng thông báo tại công ty cho biết chị này đã ăn cắp đồ, nhằm cảnh báo cho mọi người biết. Việc làm của công ty có vi phạm pháp luật không vì mảnh vải không có giá trị nhiều?
Trần Thanh Thảo (Huyện Châu Thành, Tiền Giang)
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời: Theo Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 thì hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;… Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật lao động thì còn căn cứ vào nội quy lao động của công ty. Nếu nội quy quy định chỉ cần có hành vi trộm cắp mà không nêu mức giá trị tài sản thì việc áp dụng hình thức sa thải này là có căn cứ.
Sau khi kỷ luật lao động, nếu công ty dán quyết định kỷ luật lên bảng thông báo thì không vi phạm. Nhưng nếu công ty in hình ảnh của người bị kỷ luật lên bảng thông báo là vi phạm quyền về hình ảnh của cá nhân theo Điều 31 Bộ luật Dân sự 2005. Đó là việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.