Không gian văn hóa sách hay không gian buôn bán, cà phê

Kéo theo số doanh thu tăng không ngừng đó là lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi thư giãn, mua sắm ở đường sách TP.HCM ngày càng đông khiến nơi này trở thành mô hình đường sách điển hình và thành công nhất cả nước, được nhiều quận, huyện ở TP.HCM và các tỉnh, thành bạn khắp Bắc, Trung, Nam học tập làm theo.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đường sách TP.HCM thành công theo đánh giá của số đông du khách đến đây là đường sách TP.HCM được tạo dựng trên một không gian quá đẹp. Đó là trọn con đường Nguyễn Văn Bình chỉ dài vài trăm mét, rợp bóng hàng me, thanh bình, yên ả. Con đường này lại nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn - TP.HCM với những địa điểm tham quan nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, Công viên Lê Duẩn, Bưu điện TP.HCM, đường Đồng Khởi, hồ Con Rùa, UBND TP.HCM, Nhà hát TP.HCM, UBND quận 1, Thảo Cầm Viên,…

Các kệ sách lưu động của các gian hàng sách tràn xuống lòng đường dù người đông không có lối đi. Ảnh: TK 

Vậy nhưng hơn một năm qua, nhất là vào những ngày cuối tuần, đường sách TP.HCM không còn là một không gian thanh bình nữa bởi ngày càng có nhiều hoạt động mang tính chất hội chợ ồn ào, không phù hợp diễn ra tại đường sách, có khi là cả những phiên chợ từ thiện. Nhất là những ngày cuối tuần hay những dịp lễ, Tết, nhiều gian hàng sách đã bày những chiếc bàn, kệ hàng trưng sách và đầy đồ chơi, vật phẩm lưu niệm, văn phòng phẩm tràn xuống lòng đường hoặc bày cả ra giữa đường để buôn bán, giới thiệu. Việc buôn bán hàng hóa như vầy khiến đường sách trở nên chật chội, bát nháo, không còn lối đi, người đứng ngồi lố nhố, phải chen vai thích cánh để lọt qua đám đông vào những ngày đông khách hay những khi có các sự kiện ra mắt sách, giao lưu người nổi tiếng thu hút công chúng.

Không gian đường sách thành không gian cà phê ăn uống, tràn xuống cả lòng đường. Ảnh: TK

Không chỉ thế, góp phần chiếm khoảng 1/4-1/5 không gian đường sách là hai quán cà phê tại dây. Từ chỗ bán nước, những quán cà phê này đã bán thêm thức ăn. vào những ngày cuối tuần, họ bày bàn ghế tràn xuống lòng đường khiến nơi này đã chật càng thêm chật.

Chính vì vậy, nhiều người dân TP.HCM và nhiều người làm ngành văn hóa - truyền thông đã đặt câu hỏi đường sách TP.HCM có còn là một không gian dành riêng cho văn hóa sách vốn trọng sự yên tĩnh, thanh lịch, thoáng đãng, sâu lắng? Hay đường sách TP.HCM đang dần trở thành một địa chỉ hẹn cà phê, ăn uống sang trọng cho người có tiền trả giá cao đến đây hưởng thụ, để những người kinh doanh quán làm giàu?

Nên chăng cần biến không gian rộng lớn hai quán cà phê ở đường sách TP.HCM thành một thư quán cộng đồng, sẽ là nơi để du khách đến đường sách có thể thoải mái dừng chân ngồi thư giãn tận hưởng không gian văn hóa tại đường sách TP.HCM hoặc có thể đem sách đến đây ngồi đọc. Nếu có nhu cầu, họ có thể gọi nước từ một quầy căn tin do Công ty Đường sách TP.HCM phụ trách bán giá bình dân cho mọi tầng lớp người dân, học sinh, sinh viên mua được. Vào mùa mưa, thư quán kiểu này sẽ là một không gian phù hợp để tổ chức những sự kiện như ra mắt sách hay triển lãm tranh ảnh…

Cần trả không gian vàng ở đường sách TP.HCM về cho phúc lợi cộng đồng, cho đúng nghĩa một không gian văn hóa sách, văn hóa đọc. Đừng để không gian văn minh, thanh lịch nơi đây trở nên nhếch nhác vì sự mua bán tùy tiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm