Phương vốn là một học sinh chuyên văn, em nhận xét: Môn văn được dạy trong trường đầy tính gia trưởng, hay mơ mộng, không chịu tiếp thu cái mới... Em cho rằng em lạc mất con mèo và muốn tìm lại nó nhưng không biết tả làm sao để ra con mèo của mình.
Em mong muốn môn văn: "Hãy dạy em cách để viết một lá thư xin việc
Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo vệ ý kiến của mình.
Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty.
Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm.
Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng”.
Tôi đọc kỹ và thấy ý kiến của em về cách dạy môn văn trong trường về cơ bản là đúng, đúng nhất là việc không coi trọng vai trò cá nhân. Nhưng có vẻ như em đã hiểu sai về bản chất của sự học, đặc biệt là học môn văn.
Tôi nghĩ thế này:
Em học văn nhưng không tả đúng được con mèo của mình là lỗi ở em. Cho dù đây chỉ là một cách nói của em nhưng tôi lấy case này để nói lại. Rằng, trong thực tế, một người nông dân không biết chữ họ không những tả đúng con mèo của họ mà còn mô tả vài câu có thể thấy được chân dung của một con người. Đó là nhờ khả năng quan sát của bản thân.
Tranh luận, phản biện giữa các học sinh trong một giờ học văn tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Thực chất, môn văn không dạy em biết hết tất cả các điều nhưng sách thì có. Muốn thẩm tốt, viết tốt thì phải đọc sách và chịu khó quan sát, lắng nghe mọi người xung quanh. Sách không có tác dụng gì với em hay vì em không đọc sách?
Em không học được gì qua những người xung quanh sao?
Khi thẩm tốt, viết tốt thì em có thể viết thư tình ấn tượng, viết đơn xin việc, viết quảng bá bản thân, viết lời thoại... đều rất tốt.
Một nhà văn, gốc gác của họ chưa chắc đã học chuyên văn, chưa chắc đã học ở trường đào tạo viết văn; nhiều người làm báo không học đại học báo chí mà rất nhiều người học tự nhiên và các ngành kỹ thuật…
Những người đó đều tự học và tự quan sát mà thành.
Ngành tài chính em học không thể dạy em tất cả vấn đề về tài chính, vì bản thân ngành tài chính không phải bất biến cũng như thư tình thời trước khác với thư tình thời @.
Tôi không tin thầy cô giáo dạy văn nhất thiết bắt em phải tả hai mắt con mèo như hai viên bi ve. Cũng như thầy cô không nhất thiết bắt em tả con mèo đó màu đen hay màu mun. Họ có rập khuôn, máy móc là do giáo trình ngành giáo dục buộc họ như thế nhưng họ không phải là người dốt.
Hơn nữa, những mong muốn của em thực ra là các loại văn mẫu. Chính em đạp lại sai lầm mà em muốn ly dị. Những thứ đó, chỉ cần hướng dẫn vài tiết cho một người học văn trung bình, họ đều có thể làm được. Nhưng để làm giỏi thì phải phụ thuộc vào độ thẩm, khả năng quan sát, ứng biến của mỗi người.
Người ta nói "Văn là người" chính vì những lẽ trên. Nó là một quá trình tích lũy, tự rèn giũa, sau mới là thể hiện.
Lá thư của em như một lời cảnh tỉnh, nhưng tôi thấy mỗi người nên tự cảnh tỉnh mình!