Không nên để Tổng liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội, nhà cho công nhân

(PLO)- Các ĐBQH đặt vấn đề cần phải xem xét việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-6, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận là về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89).

ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) cho rằng việc quy định như vậy là “chưa đầy đủ, có thể dẫn đến không khả thi trong triển khai thực tế”.

ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: TP

ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: TP

“Ở đây chưa làm rõ được Tổng liên đoàn lao động làm chủ đầu tư là với vai trò, tư cách như thế nào? Tài sản là nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư là để kinh doanh, hay là tài sản công, tài sản nhà nước. Sau khi đầu tư rồi thì việc quản lý, sử dụng, cho thuê như thế nào?” - ông Thịnh đặt câu hỏi.

Theo đó, ĐB Thịnh đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng việc quy định cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đồng tình ý kiến này, ĐB Nguyễn Trúc Anh, Bí thư huyện uỷ Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng việc triển khai dự án nhà ở cho công nhân nên giao cho chính quyền địa phương thực hiện chứ không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động.

ĐB Nguyễn Trúc Anh, Bí thư huyện uỷ Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: TP

ĐB Nguyễn Trúc Anh, Bí thư huyện uỷ Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: TP

“Chính quyền địa phương là người tổng hợp hết tất cả chương trình phát triển đô thị, biết rõ quy hoạch như thế nào, tiền như thế nào, và bố trí lộ trình như thế nào. Còn Liên đoàn lao động chỉ nắm về đối tượng, chính sách…” - ĐB Trúc Anh nói.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay phía Uỷ ban Pháp luật tán thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một “chủ thể có vai trò quan trọng” trong triển khai chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động.

“Tuy nhiên, khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thì cần làm rõ tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào. Từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng, từ kinh phí 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công do ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ…?” - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này, xác định trách nhiệm về những rủi ro tài chính (nếu có) khi thực hiện dự án đầu tư, đồng thời đề xuất sửa đổi đồng bộ quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm