Không thể chấp nhận đổ thải xuống biển Vĩnh Hảo

Theo TS Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó Vụ Bảo tồn, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, Vụ Bảo tồn đã làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận và cương quyết phải bảo vệ sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, đặc biệt là vùng biển Nam Trung Bộ, một trong 18 vùng nước trồi quan trọng và tốt nhất thế giới.

Không chấp nhận mất môi trường để họ kiếm tiền

TS Nguyễn Thị Phương Dung cho biết Vụ Bảo tồn đã có văn bản tham mưu cho Bộ NN&PTNT. “Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phải tìm phương án khác chứ không thể nhận chìm chất thải xuống biển được. Việc nhận chìm phải có khảo sát tổng thể, đánh giá từng chi tiết tác động chứ không thể đơn giản như thế được. Dưới góc nhìn của tôi, phải cương quyết bảo vệ môi trường biển. Làm kinh tế thì có nhiều cách để kiếm tiền nhưng đánh đổi môi trường là không thể chấp nhận” - bà Dung cho biết.

Theo bà Phương Dung, không thể chấp nhận đổ chất thải xuống biển ở bất cứ vị trí nào mà phải tái sử dụng vật liệu nạo vét trong dự án và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xử lý để không ô nhiễm. Bà đánh giá: “Theo tôi, họ chọn phương án đổ thải xuống biển là để giảm chi phí. Chúng ta không thể chấp nhận mất môi trường tự nhiên để họ được lợi về kinh tế”.

Được biết Vụ Bảo tồn đang có ý định đề xuất mở rộng Khu bảo tồn biển Hòn Cau bởi đây là vùng đa dạng sinh học và gần như tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, do bị chồng lấn với các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nên diện tích khu vực này đã bị thu hẹp đáng kể và có nguy cơ bị tác động rất lớn bởi vị trí đổ thải chỉ cách vùng đệm Khu bảo tồn biển Hòn Cau có 500 m. “Với vị trí này cùng tác động của sóng biển, thủy triều, dòng chảy, về chuyên môn chúng tôi không thể chấp nhận. Tôi vẫn băn khoăn đánh giá tác động môi trường của họ có đủ tin cậy và chi tiết chưa. Do đó Bộ TN&MT cần phải xem xét thật cẩn trọng” - TS Dung kết luận.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khảo sát quy trình sản xuất tôm giống tại Công ty TNHH Nam Miền Trung (Vĩnh Hảo, Bình Thuận). Ảnh: NNVN

Những cơ sở nuôi tôm giống hiện đại, nổi tiếng ở Vĩnh Tân đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nếu hơn 1,5 triệu m3 chất thải bị xả xuống biển.

“Thủ đô” tôm giống sẽ bị xóa sổ

PGS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, lo ngại: “Nhiệt điện Vĩnh Tân đề xuất đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống vùng biển Tuy Phong nhưng không đưa ra thông tin rõ ràng như thành phần chất thải, kỹ thuật đổ ra sao, xử lý thế nào để mọi người có thể đánh giá. Dù chưa thể kết luận được nhưng có một việc chắc chắn là lắng đọng trầm tích sẽ rất nghiêm trọng đến vùng biển đó. Dưới góc độ môi trường, việc nạo vét trầm tích biển sẽ gây mất cân bằng sinh thái cùng nhiều tác hại từ các thành phần độc hại chứa trong lớp trầm tích”.

Lo lắng cho tương lai của môi trường khu vực này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, bức xúc: “Hoạt động nạo vét, vận chuyển, đổ thải quá gần với khu vực lấy nước nuôi tôm của các doanh nghiệp nên việc tôm chết hàng loạt là điều chắc chắn và ngành nuôi tôm sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Bình Thuận cung cấp tôm giống có chất lượng tốt nhất Việt Nam, chiếm 20%-22% sản lượng của cả nước, được Bộ NN&PTNT công nhận nhiều năm liền và được mệnh danh là “thủ đô” tôm giống. Trong năm 2016 Bộ NN&PTNT đã xác định trình Chính phủ công nhận con tôm là sản phẩm quốc gia, là mục tiêu tăng GDP cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngành nông nghiệp đã hoạch định chiến lược phát triển nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường sống, nâng cao giá trị phát triển đất nước nhưng bây giờ nơi mệnh danh là “thủ đô” tôm giống chất lượng lại đứng trước nguy cơ đe dọa bị xóa sổ vì môi trường”.

Còn ông Phan Tấn Khế, Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận, phản ứng gay gắt: “Tại sao phải nhận chìm chất thải xuống biển? Chúng tôi sẽ đi khảo sát thực địa ngay và phải lên tiếng để giúp ngành tôm Bình Thuận và những hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng biển này”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ:

“Không thể đổ chất thải xuống biển”

Không thể chấp nhận đổ thải xuống biển Vĩnh Hảo ảnh 3

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi đã nghe thông tin này nhưng quyết định như thế nào thì cần phải nắm rõ hơn, nghiên cứu, đánh giá cẩn thận. Khi nhận được báo cáo, đề xuất Bộ TN&MT sẽ xem xét”.

Mặc dù không bình luận cụ thể về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải ra biển nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển như đề xuất của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. “Không thể làm thế được!” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trước đó, ngày 2-11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay: “Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta cũng nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”.

TS TẠ QUANG NGỌC, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản:

Phải coi trọng môi trường và sinh kế của dân

Không thể chấp nhận đổ thải xuống biển Vĩnh Hảo ảnh 4

Đây là việc quan trọng cần phải xác định được làm hay không trước khi quyết định đầu tư và chọn địa điểm đặt dự án. Việc đổ thải như vậy xuống biển phải được chứng nhận về đánh giá tác động môi trường nghiêm túc với sự tham gia của những ngành liên quan và dựa vào: khối lượng và mức độ tác hại của vật/chất xả đổ; đặc điểm sinh thái của khu vực, chế độ thủy học... của vùng nước biển làm bãi thải và lân cận. Phải hết sức coi trọng ý nghĩa về sinh kế trước mắt và lâu dài đối với cộng đồng dân cư; những tác động và ảnh hưởng tới bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, về bảo tồn sinh thái biển khu vực được xác định là có giá trị sinh thái không chỉ cho ven biển Bình Thuận mà cả ngư trường biển miền Trung. Cùng với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, lâu nay ai cũng biết rằng vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhất là khu vực Cà Ná-Tuy Phong có sức sản xuất sinh học lớn, đặc thù với nước đại dương áp bờ, thuận tiện cho phát triển sản xuất con giống chất lượng cao, là nơi nhờ tính đa dạng sinh học phong phú mà nghề cá cũng đa dạng và giúp cho ngư dân mưu sinh với nhiều nghề và sản phẩm truyền thống nổi tiếng.

GS-TSKH NGUYỄN TÁC AN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang:

Cả vùng biển lớn sẽ chết

Không thể chấp nhận đổ thải xuống biển Vĩnh Hảo ảnh 5

Vùng biển Tuy Phong-Cà Ná cùng với biển Tây Ấn Độ là hai vùng nước trồi tốt nhất ở châu Á và là một trong 18 vùng nước trồi ven bờ trên toàn thế giới. Hiện tượng nước trồi đã tạo nên môi trường thuận lợi cho vùng biển này có nguồn hải sản phong phú, chất lượng tốt hơn các vùng khác. Bình Thuận là một trong những ngư trường trọng điểm, tốt nhất của Việt Nam là nhờ vậy. Ngay từ đầu, việc cho xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở khu vực này đã là một sai lầm nghiêm trọng về môi trường. Bây giờ họ lại đề xuất cái việc cho đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống.

Không hiểu sao họ nghĩ ra việc đó! Nếu không còn phương án nào thì phương án này cũng không thể chấp nhận, vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau bởi thông thường các dòng chảy ven bờ ở biển Đông có hướng từ bắc xuống nam nên sẽ cuốn theo lượng chất thải đó. Cho đổ ra biển một khối lượng chất thải lớn như vậy chỉ cách bờ ba hải lý thì không khác nào chấp nhận một cuộc mạo hiểm đã thấy trước hậu quả nhưng chưa lường hết hậu họa nguy hiểm đến mức nào, kéo dài bao lâu. Không chỉ san hô mà tất cả sinh vật đáy đều sẽ bị hủy diệt. Không chỉ có vùng biển Tuy Phong-Cà Ná bị hủy diệt. Những dòng hải lưu đan xen nhau ở biển Tuy Phong sẽ cuốn theo chất thải đưa đến các vùng biển lân cận, ảnh hưởng trực tiếp trước mắt đến nghề cá Việt Nam.

Trước đây, đánh giá tác động môi trường là nước thải nhà máy nhiệt điện cho ra xa bờ theo đúng dòng chảy. Thế nhưng hiện nay nhà máy tính toán việc xả thải gần bờ. Điều này là trái với đánh giá trước đây. Khi nhiệt độ môi trường biển tăng lên, không chỉ tôm cá chết mà sẽ giết chết nguồn giống, trứng hải sản, mất đi sự đa dạng sinh học, đa dạng gen, đa dạng sinh hóa. Quốc gia nào cũng chú trọng vùng ven biển vì đó là không gian dân sinh, vùng bảo vệ đất nước, cơ sở để phát triển đời sống cho người dân.

CHÂN LUẬN-PHƯƠNG NAM-TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm