Theo bà Vân, việc học tập của học sinh mù tại TP.HCM đã trở nên điều bình thường trong hệ thống giáo dục, mọi trẻ đều có thể đến trường và học tập theo khả năng của mình.
Đối với các trẻ khuyết tật, theo bà Vân, trẻ bại não cần có phương pháp giáo dục tổng hợp, đặc biệt nhất. Bởi trẻ tuy không nhìn được, không nói được, không đi lại được nhưng vẫn nghe, vẫn hiểu.
“Hầu như không nơi nào tiếp nhận các trẻ bại não nhưng Trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn tiếp nhận” - bà Vân cho hay.
Bà Vân kể có gia đình ở Tiền Giang hằng ngày cha mẹ phải đưa con bại não đi về giữa TP.HCM và Tiền Giang chỉ để con có thể học được những kỹ năng sống cần thiết.
“Có trẻ cứ phải nghe bài hát Lan và Điệp thì mới học tập. Tôi yêu cầu các giáo viên phải hát được bài này hoặc phải lưu bài này vào điện thoại để khuyến khích em học. Hiện em đã đứng được, đi được…” - bà Vân cho biết.
Để không trẻ khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, bà Vân cho hay các giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu phải tự học rất nhiều, thậm chí nhà trường còn đưa cả giáo viên ra nước ngoài đào tạo.
“Rất nhiều gia đình các tỉnh khi biết Trường Nguyễn Đình Chiểu nhận trẻ khuyết tật không phân biệt hộ khẩu thì đã đưa cả gia đình lên TP.HCM, sẵn sàng đi tìm việc khác để con mình có thể học tập tại trường” - bà Vân cho biết.
TS Nguyễn Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho hay: Mặc dù giáo dục đặc biệt Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật, tuy vậy ngành này vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Bởi giáo dục đặc biệt chính là nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận nền giáo dục chất lượng, tạo cơ hội và điều kiện để trẻ khuyết tật phát triển, hòa nhập xã hội.