Tòa đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh để điều tra, xét xử lại.
Theo cáo trạng, Trần Cảnh Lạc là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh; Nguyễn Xuân Danh là phó phòng kinh doanh và Nguyễn Thị Phúc là kế toán trưởng của
công ty này.
Năm 2009, Danh không trực tiếp sang Trung Quốc tìm đối tác để xuất khẩu hàng nông sản mà thỏa thuận bán hàng cho Đinh Thị Thảo ở Lạng Sơn. Sau đó, Thảo đem hàng sang Trung Quốc bán lại cho Công ty TNHH TM - XNK Xi Lai Phúc và Công ty TNHH Guo Qi Do Li.
Từ tháng 12-2009 đến tháng 8-2012, Danh và Phúc đã tham mưu cho tổng giám đốc Lạc ký 50 hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn, gạo sang Trung Quốc. Trong đó, ba hợp đồng ký với Công ty Xi Lai Phúc gây thiệt hại hơn 44 tỉ đồng và hai hợp đồng với Công ty Guo Qi Do Li gây thiệt hại hơn 25 tỉ đồng.
Cho rằng tòa sơ thẩm vượt quá phạm vi xét xử nên TAND Cấp cao đã hủy án. Ảnh: HD
Sau đó, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc thông báo cơ quan quản lý Trung Quốc không có thông tin đăng ký về Công ty Xi Lai Phúc. Công ty Guo Qi Do Li cũng khẳng định không ký kết hợp đồng với Công ty Mía đường Tây Ninh.
Ba bị cáo Lạc, Danh, Phúc bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền gây thiệt hại gần 70 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS đề nghị phạt Trần Cảnh Lạc 10-12 năm tù, Nguyễn Xuân Danh 8-10 năm tù, Nguyễn Thị Phúc 5-6 năm tù. Viện đề nghị buộc ba bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 44 tỉ đồng do đã ký ba hợp đồng với Công ty Xi Lai Phúc. Riêng hai bị cáo Lạc, Danh phải bồi thường hơn 25 tỉ đồng do đã ký hai hợp đồng với Công ty Guo Qi Do Li. TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt bị cáo Lạc 10 năm tù, Danh chín năm tù và Phúc năm năm tù cùng về tội danh trên.
Theo cấp sơ thẩm, đối với ba hợp đồng ký với Công ty Xi Lai Phúc với số tiền hơn 44 tỉ đồng đã có phán quyết của Trọng tài quốc tế Việt Nam chờ kết quả thi hành án. Nếu trong quá trình thi hành án mà phán quyết bị hủy thì chủ sở hữu đại diện (UBND tỉnh Tây Ninh) được khởi kiện ba bị cáo bằng vụ án dân sự khác.
Điều đáng nói là dù cáo trạng không quy kết trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phúc đối với hai hợp đồng trị giá hơn 25 tỉ đồng nhưng tòa lại buộc Phúc cùng hai bị cáo Lạc, Danh liên đới bồi thường cho UBND tỉnh Tây Ninh.
Sau khi xử sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm xét xử vượt quá phạm vi truy tố đối với bị cáo Phúc nên tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho bị cáo Phúc được tại ngoại.