Điều đặc biệt trong vụ này là ngoài bị cáo Trang còn có nhiều cán bộ liên quan khác có sai phạm, có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng cho rằng đây là trường hợp đặc biệt nên cơ quan tố tụng không xử lý hình sự.
Chúng tôi giới thiệu bài viết của ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao.
Có lẽ tìm hết tất cả các văn bản pháp luật từ Hiến pháp đến BLHS, cũng như các văn bản hướng dẫn của cơ quan tiến hành tố tụng từ trung ương đến địa phương cũng không thể tìm thấy quy định “không xử lý hình sự vì thuộc trường hợp đặc biệt” (?!)
Nhưng điều mà dư luận quan tâm là CQĐT Công an tỉnh Khánh Hoà nói trường hợp đặc biệt đó là trường hợp nào? Không biết trong bản kết luận điều tra có nêu không? Nếu đúng là có trường hợp đặc biệt thì có lẽ cũng kiến nghị với Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS mà kỳ họp này Quốc hội đang thảo luận.
BLHS đã quy định định đầy đủ các trường hợp loại trừ TNHS, trường hợp được miễn TNHS và trường hợp không có tội… Nhưng không có điều luật nào quy định “thuộc trường hợp đặc biệt thì không xử lý hình sự ” (?!)
Cựu trung úy CSGT Lê Thị Minh Trang bị phạt ba năm tù về tội tham ô tài sản. Ảnh: THIỀU HOA
Một vụ án tham ô và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã được TAND TP Nha Trang xử sơ thẩm nhưng bị TAND tỉnh huỷ để điều tra lại vì còn nhiều tình tiết quan trọng chưa được điều tra làm rõ, trong đó có vai trò của một số quan chức. Sau đó vụ án được truy tố xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh và cũng hai lần TAND tỉnh trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, ngày VKSND tỉnh có công văn gửi TAND tỉnh khẳng định vẫn giữ nguyên cáo trạng đã ban hành 14 tháng trước đó.
Theo quy định của BLTTHS thì vụ án đã bị huỷ hoặc bị Tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì VKS phải thay cáo trạng cũ bằng cáo trạng mới. Kể cả VKS giữ nguyên nội dung cũ thì cũng không được dùng “công văn” trả lời tòa án là vẫn giữ nguyên bản cáo trạng cách đó 14 tháng. Cách làm này của VKS chỉ phù hợp với lúc chưa có BLTTHS. Việc ban hành công văn không chỉ trái với BLTTHS mà còn trái với cả hướng dẫn của VKSND Tối cao.
Không hiểu sao TAND tỉnh Khánh Hòa cũng chấp nhận để đưa vụ án ra xét xử. Lẽ ra, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm Thẩm phán được phân công chủ toạ phải yêu cầu vks ban hành bản cáo trạng mới (số, ngày, tháng…) chứ không thể đem bản cáo trạng cách 14 tháng ra xét xử được. Tại phiên tòa, mặc dù trước đó tòa án đã trả hồ sơ vụ án hai lần, nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn có quyền trả hồ sơ vụ án, nếu xét thấy việc điều tra, truy tố còn nhiều chứng cứ mà tòa án không thể làm rõ tại phiên tòa. Không có quy định HĐXX chỉ được trả hồ sơ vụ án hai lần.
Đúng là tòa sơ thẩm không thể xét xử những người và những hành vi mà VKS chưa truy tố, nhưng vẫn có quyền trả hồ sơ vụ án cho VKS điều tra bổ sung, chứ không thể vin vào cái cớ “phạm vi và thẩm quyền” để ra bản án rồi kiến nghị cho vui.
Vụ án có đồng phạm khác hoặc người phạm tội khác mà việc xét xử đối với bị cáo sẽ phiến diện thì nhất quyết phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ kết án bị cáo trong trường hợp qua xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa mà thấy không có đồng phạm khác và việc kết án bị cáo không ảnh hưởng đến việc định tội, cũng như quyết định hình phạt đối với bị cáo đang bị xét xử.
Nếu HĐXX nhận định chỉ đủ cơ sở chứng minh bị cáo chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng và phạt bị cáo ba năm tù về tội tham ô tài sản. Vậy số tiền bị thất thoạt gần hai tỷ đồng đi đâu, ai phải chịu trách nhiệm ? Giả thiết, kiến nghị của HĐXX sau này được CQĐT và VKS chấp nhận, nội dung sự việc lại không đúng như bản án sơ thẩm thì giải quyết thế nào? Một vụ án xử lý cắt khúc, nửa vời như vậy thì làm sao dư luận có thể đồng tình.
Thiết nghĩ Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao cần vào cuộc làm rõ vì sao, nhất là ý kiến của CQĐT về việc không khởi tố một số cán bộ lãnh đạo chỉ vì một lý do “thuộc trường hợp đặc biệt” (?!). Phải chăng, vụ tham nhũng này có vùng cấm nào đó?