'Khúc mưa'- phim về đề tài hòa giải dân tộc nhân ngày 30-4

Bộ phim truyện Khúc mưa của Đạo diễn- NSƯT Bùi Tuấn Dũng vừa được công chiếu tại Hà Nội.  Bộ phim là “dấu mốc” đặc biệt khi khai thác đề tài hậu chiến ở một góc nhìn mới.

Mỗi dịp 30-4, chúng ta thường nói về “giải phóng”, về “thống nhất đất nước”, về “đoàn tụ” nhưng với những người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và thân nhân của họ, đó là nỗi đau khó phai mờ. Chính vì vậy, điện ảnh chính thống của Việt Nam mỗi khi làm phim về đề tài hậu chiến, cũng rất hạn chế đề cập đến họ.

Thế nhưng với Khúc mưa, mọi định kiến tuyên truyền kiểu cũ đã bị phá vỡ khi khai thác bi kịch gia đình của một thuyền nhân. Đó là sự chia cắt và định kiến, là khoảng cách từ trái tim đến trái tim và đặc biệt là tình mẫu tử…

Hình ảnh trong phim. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp. 

Bộ phim kể về bi kịch gia đình của Hùng- một sỹ quan VNCH. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Hùng vì không chịu được những cực khổ ở trại cải tạo đã trốn về nhà. Sợ bị bắt đưa trở lại, anh quyết định bán nhà cửa gom vàng rồi cùng vợ con vượt biên.

Vì không đủ vàng nộp nên người vợ đã nhường cho chồng con lên thuyền để mình ở lại, đó là cuộc chia ly đầy nước mắt, là câu chuyện rất thật mà rất nhiều thuyền nhân đã trải qua trong những năm cuối 70 của thế kỷ trước.

Chuyến đi không như mong đợi, Hùng đã gặp nạn trên biển, con trai 6 tuổi tên Tâm (sau này là Kevil) may mắn sống sót bị đưa đi các trại tị nạn, bị đánh đập bị bỏ đói, bị hãm hiếp… Những ám ảnh trong chuyến vượt biên kinh hoàng khiến Tâm rất sợ biển. Anh mắc chứng bệnh “Tâm lý ám ảnh sợ”.

Thế nhưng sau hơn bốn mươi năm lưu lạc, Kevil đưa vợ trở về Việt Nam. Dẫu muốn tìm về cội nguồn nhưng những ký ức ít ỏi trong cuộc chia ly hơn 40 năm trước khiến anh rất căm hận mẹ…

Qua diễn xuất của NSƯT Trương Minh Quốc Thái, khán giả cảm nhận rất rõ nỗi đau của nhân vật, mỗi trường đoạn cảm xúc đều mang nội dung riêng. Để vào vai Kevil và lột tả được cơn bệnh theo từng cấp độ của nhân vật, Trương Minh Quốc Thái đã tìm gặp các bác sỹ để hỏi chi tiết về bệnh, rồi nghiên cứu rất nhiều tài liệu.

Anh cho biết: “Dù đã chuẩn bị rất kỹ về vai diễn nhưng trong lúc quay vẫn phải liên tục tìm chìa khóa cho từng cung bậc cảm xúc của nhân vật”.

Thực tế, Khúc mưa không kể một câu chuyện cụ thể mà chỉ đơn thuần là cảm xúc. Bằng cách kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại cùng rất nhiều chi tiết tinh tế được cài cắm suốt cả bộ phim, những bí mật cứ dần dần được hé mở, gây tò mò và lôi cuốn khán giả đến những giây cuối cùng. Đây chính là cái tài của đạo diễn bởi với một bộ phim chỉ khai thác nội tâm nhân vật, nếu không tìm được “chìa khóa” thì rất khó để giữ chân khán giả suốt 105 phút.

Bộ phim cho thấy những cố gắng trong việc thể hiện đề tài hậu chiến, đó không chỉ là bi kịch của những mảnh đời lưu lạc, mang theo những vết thương tâm lý rời bỏ đất mẹ đầy ám ảnh của mấy chục năm trước mà còn là câu chuyện của những người ở lại, vượt lên mất mát và cả những định kiến để kiến tạo cuộc sống mới.

Bộ phim kể về bi kịch gia đình của Hùng- một sỹ quan VNCH. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp. 

Dù không có bom đạn, không có thương vong nhưng thông qua những số phận con người vẫn lột tả hết sự khốc liệt của chiến tranh. Từ trước đến nay có nhiều bộ phim nói về tổn thương tâm lý của những người trở về từ cuộc chiến nhưng những mất mát, tổn thương của thế hệ thứ 2 thì gần như chưa bao giờ được đề cập.

Nghệ thuật là tiếng nói của trái tim và Khúc mưa là một cách nhìn tiến bộ của hội đồng duyệt phim Quân đội khi dám vượt qua “ngưỡng” an toàn để đối diện với đề tài nhạy cảm như thuyền nhân.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, khoảng cách đủ để chúng ta nhìn lại và nhận thức rõ hơn cuộc chiến, sự nghiệt ngã không phải chỉ giành cho bên thắng cuộc. Và hơn tất thảy, như NSƯT Trương Minh Quốc Thái chia sẻ thì “đó chính là lời kêu gọi hòa giải tích cực với tinh thần đoàn kết hướng về cội nguồn trong dịp đặc biệt này”.

Vậy là sau 5 năm kể từ khi Ngày trở về của Đạo diễn Đặng Thái Huyền ra mắt, đến nay Điện ảnh QĐND mới có thêm một tác phẩm ấn tượng. Đây là nỗ lực rất lớn của điện ảnh Quân đội trong việc tiếp cận công chúng ở thời đại công nghệ số. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm