Từng là chiến sĩ bảo vệ đoàn tiền phương Tổng cục Kỹ thuật tại chiến trường miền Nam và có mặt tại Sài Gòn vào ngày lịch sử 30-4-1975, nhìn lại chặng đường 41 năm qua, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành, Học viện Quốc phòng, nói: “Sau ngày 30-4-1975, chúng ta đã tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội của một nước Việt Nam thống nhất, tổ chức một nhà nước và hệ thống chính quyền thống nhất từ trung ương đến cơ sở trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước suốt 21 năm (từ 1954 đến 1975)...”.
Hàn gắn những vết thương lòng
. Phóng viên: Thưa thiếu tướng, sau 30-4-1975, chúng ta đã thống nhất Bắc-Nam, non sông thu về một mối. Đó là sự kiện đánh dấu một mốc son lịch sử to lớn. Nhưng con đường phát triển sau đó, chúng ta còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Ông cảm nhận điều này thế nào?
+ Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành: Một quốc gia, một dân tộc để tồn tại và phát triển trước hết phải có sự thống nhất về cương vực địa lý lãnh thổ, đó là điều kiện tiên quyết cho sự thống nhất các mặt, các lĩnh vực khác. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ.
Nỗi đau chia cắt đất nước đã được giải quyết từ bốn thập niên trước, song nỗi đau chia cắt lòng người dường như vẫn còn âm ỉ. Chắc điều đó không chỉ là nỗi niềm trăn trở, day dứt của riêng tôi.
Theo dòng thời gian, chiến tranh đã ngày càng lùi xa, những hậu quả, di chứng của chúng trên cơ thể tự nhiên của đất nước và trong mỗi con người dần dần được khắc phục tuy chưa phải đã hết.
. Cho đến hôm nay, có lẽ sự hòa hợp lòng người đối với những người con đất Việt khắp thế giới vẫn chưa được trọn vẹn. Theo ông, vì sao lại như thế?
+ Nhiều người đã nhận thấy những cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ 20 đã không chỉ chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam mà còn chia rẽ sâu sắc con người Việt Nam, phân hóa cộng đồng người Việt thành những khuynh hướng chính trị-xã hội khác nhau, thậm chí đối lập nhau, trở thành kẻ thù của nhau.
Chuyện anh chị em, bà con ruột thịt trong một gia đình, dòng tộc nhưng “người theo Cộng sản, kẻ theo Cộng hòa” cầm súng bắn giết nhau trên hai trận tuyến không phải là câu chuyện hư cấu của văn chương mà là hiện thực tàn nhẫn trong chiến tranh.
Suốt mấy thập niên chiến tranh, người Việt đã bị chia rẽ sâu sắc như vậy thì việc hàn gắn những vết thương lòng, tạo nên sự hòa giải, hòa hợp trong cộng đồng dân tộc Việt Nam không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng. Để có được một sự hòa giải, hòa hợp thật sự của những người con đất Việt không thể đơn giản, đơn phương mà phải có sự nỗ lực từ mọi cá nhân, tổ chức, lực lượng từ cả hai phía.
Đường Lê Duẩn, TP.HCM được trang hoàng chào mừng những ngày lễ. (Ảnh chụp chiều 29-4) Ảnh: HTD
Chung sức, chung lòng cho Tổ quốc
. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, trong phát biểu trên nghị trường kỳ họp Quốc hội ngày 1-4, đã nói: “Chúng ta không nên khơi lại những vết thương cũ và không tạo thêm những vết thương mới trong khối đại đoàn kết toàn dân”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ Trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc và trong nội bộ từng quốc gia, dân tộc, nếu chỉ tìm cách khơi lại những vết thương cũ thì không thể có sự hòa bình, yên ổn để xây dựng và phát triển được.
Để tạo lập được sự đồng thuận trong cộng đồng dân tộc đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức và lực lượng phải có thiện chí, cùng nhau thực hiện chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đồng sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đó là cách tốt nhất để hàn gắn những vết rạn nứt, vết thương cũ.
. Thống nhất lòng người đối với vận nước hiện nay là một điều rất quan trọng, vì điều đó sẽ tập trung được tối đa trí tuệ, năng lực và nhân lực cho Việt Nam hùng cường. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thực hiện được điều này?
+ Thống nhất lòng người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay không chỉ là điều rất quan trọng, mà còn là điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Để đạt được mục đích đó, có rất nhiều việc cần làm. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh lòng người chính là lòng dân.
Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của các tổ chức lãnh đạo, quản lý điều hành xã hội phải được xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện trên cơ sở xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chung của nhân dân. Như vậy mới có sự đồng thuận, thống nhất lòng người được.
Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. (Trích Chỉ thị số 45 ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới) Đất nước ta đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước từng là cựu thù của chúng ta. Vì vậy, không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. (Trích phát biểu của nguyên Chủ tịch nước |